Bạc Liêu: Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia vào năm 2030

Thứ ba, 10/12/2024 11:10
(ĐCSVN) - Sở hữu nguồn tiềm năng thuận lợi lớn cho phát triển năng lượng sạch, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, Bạc Liêu đã xác định phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
 Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN).

Là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s), càng ra khơi tốc độ gió càng cao, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), địa hình bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần. Đây là những tiềm năng, lợi thế sẵn có để tỉnh tận dụng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.

Sở hữu nguồn tiềm năng thuận lợi lớn cho phát triển năng lượng sạch, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, Bạc Liêu đã xác định phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành nhiều chủ trương về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ngày 13/11/2018, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, “Về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển năng lượng là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh(1) và đóng góp quan trọng vào nguồn năng lượng của quốc gia. Ngày 7/5/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 137-KH/TU, “Về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu: “Góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong tỉnh; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án điện, nhất là điện khí và điện gió, điện mặt trời; phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia với mục tiêu đề ra là: Bạc Liêu phát triển năng lượng sạch để góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp năng lượng ổn định, có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh. Tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí trở thành một trong những trụ cột, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển năng lượng sạch phải gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa với các ngành kinh tế - xã hội khác. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành trung tâm năng lượng sạch, thực sự trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia vào năm 2030.

Những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy xác định trong phát triển năng lượng là: Thứ nhất, phát triển các nguồn cung năng lượng (chú trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; thứ hai, phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng; thứ ba, cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; thứ tư, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực, nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; thứ năm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng, khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng; thứ sáu, liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng của tỉnh; thứ bảy, thực hiện tốt chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 xác định mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, tổng công suất tiềm năng phát triển các nguồn điện tỉnh Bạc Liêu là 25.583 MW (trong đó: Điện gió là 19.550MW, điện mặt trời là 6.000 MW, điện sinh khối là 33 MW). Với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 mW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ; phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh).... Đây là con số khá lớn, khẳng định ưu thế về phát triển năng lượng sạch của tỉnh Bạc Liêu so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Hiện Bạc Liêu có 08 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 469,2 MW và điện mặt trời mái nhà tiếp tục có bước phát triển mạnh và đang triển khai 02 dự án điện gió với tổng công suất 191 MW, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2025. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD với trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu diện tích nổi FSU; trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU, có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 LNG; trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao...,

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà có bước phát triển mạnh, đang có nhiều dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp với sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với tổng công suất là 3.366,4 kWp. Đến nay, Bạc Liêu đóng góp sản lượng điện khoảng 1.182.331 kWh hòa vào lưới điện quốc gia.

Các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động (nhất là Dự án Nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu) đã đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh, tạo ra động lực và bước đột phá rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách, giúp tỉnh Bạc Liêu giảm phụ thuộc điều tiết ngân sách từ Trung ương, từng bước tự cân đối ngân sách. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh Bạc Liêu vươn lên trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp đề xuất vào Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII quốc gia là 11 dự án nguồn điện đến năm 2030, với tổng công suất là 560 MW và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ở Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đó là: Hệ thống kết cấu hạ tầng ngành năng lượng hiện còn thiếu và chưa đồng bộ (về hệ thống lưới truyền tải cao thế, toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến đường dây 220kV và 6 tuyến đường dây 110kV, chưa có đường dây 500kV, do đó các nhà máy điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Bạc Liêu đang gặp khó khăn, chỉ hoạt động khoảng 70% công suất do hạn chế về khả năng truyền tải lên lưới); tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV, quy hoạch phát triển điện mặt trời đang triển khai thì phải dừng lại theo Luật Quy hoạch năm 2017. Việc bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng sạch gặp nhiều khó khăn, do vướng nhiều thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện. Hầu hết thiết bị của các dự án điện mặt trời, điện gió phải nhập từ nước ngoài nên chi phí đầu tư cao. Về lâu dài, điện mặt trời sẽ phát sinh nguồn chất thải ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về phát triển điện gió, điện mặt trời chưa ổn định đã ảnh hưởng đến việc phát triển lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia sớm triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường dây 220 KV Bạc Liêu đi Sóc Trăng, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo tại đây. Đồng thời hy vọng Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều 30/11 có thể tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực, giúp các địa phương, trong đó có Bạc Liêu thuận lợi trong phát triển năng lượng tái tạo; trở thành thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia vào năm 2030.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực