Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực đất nước.
Hiện nay, Petrovietnam đang triển khai hoạt động khai thác dầu khí tại 36 mỏ với 21 hợp đồng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam. Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng trong cả nước. Petrovietnam là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 16 triệu tấn urê/năm, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiên liệu của Bộ Quốc phòng...
Petrovietnam đã xây dựng và phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao đồng bộ ở tất cả các khâu, đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, như: công nghiệp cơ khí hàng hải, cơ khí dầu khí với các sản phẩm giàn khoan nước sâu tự nâng hiện đại, giàn khai thác cổ định; phát triển dịch vụ khoan dầu khí ra nước ngoài; đã tự chủ trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí, bao gồm các giàn khoan, Nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiệt điện khí, điện than, phân bón..., tạo nên chuỗi giá trị liên kết của dầu khí.
Những năm gần đây, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái dầu khí đã góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên của Petrovietnam cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí và phát triển các sản phẩm mới, từng bước đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Có thể kể đến Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/ Compound từ bột PP… Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd và đã tổ chức Lễ trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore, đồng thời tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc), tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amoniac “xanh” góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
|
Phát triển năng lượng tái tạo sẽ là xu thế tất yếu. (Ảnh minh hoạ) |
I. Trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Để thực hiện mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị là nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề cao trách nhiệm doanh nghiệp tiến tới phát triển bền vững
Để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm, trong quá trình hoạt động và phát triển, Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn. Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường (ATSKMT) hiện hành. Trong đó, các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm:
- Quản lý chất thải nghiêm ngặt, xử lý và tái chế chất thải rắn, lỏng và khí; Cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo, như các dự án điện gió ngoài khơi và chương trình “LNG - Hành trình năng lượng xanh” để giảm phát thải khí nhà kính; Đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động khai thác dầu khí, bảo vệ đa dạng sinh học.
- Petrovietnam tập trung xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
- Về mặt xã hội, Petrovietnam luôn chú trọng chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và các chế độ lương thưởng tốt. Bên cạnh đó, ý thức được trách nhiệm Petrovietnam ưu tiên triển khai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ y tế, giáo dục và thực hiện các chương trình an sinh xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xã hội và các địa phương khó khăn trên cả nước.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ trong thời gian tới
Cùng với sự chuyển dịch năng lượng nhanh hơn dự báo và biến động của kinh tế toàn cầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường năng lượng và các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mục tiêu phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp – năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Điều này được định hướng cụ thể trong 05 lĩnh vực hoạt động chính của Petrovietnam, cụ thể;
(1) Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí
- Xác định lĩnh vực điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí là cốt lõi.
- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò, tận dụng hạ tầng sẵn có kết nối các mỏ nhỏ, cận biên, tích cực đầu tư khai thác tận thu có hiệu quả các mỏ ở giai đoạn suy giảm trên cả bể truyền thống; mở rộng hoạt động dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ để gia tăng trữ lượng; nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò các đối tượng hydrocacbon phi truyền thống.
- Triển khai thu dọn các mỏ đã hết khả năng khai thác, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái cũng như tận dụng cho chôn lấp CO2.
(2) Lĩnh vực công nghiệp khí
- Bảo đảm vai trò nền tảng và phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp khí gắn với cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, từng bước hội nhập thị trường khu vực và quốc tế. Có chiến lược, kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khí trong dài hạn; đẩy nhanh khai thác các mỏ khí trong nước gắn với các chuỗi dự án khí điện theo hướng bảo đảm lợi ích tổng thể quốc gia; có kế hoạch nhập khẩu khí (trọng tâm là LNG) phù hợp, hiệu quả, chú trọng các hợp đồng dài hạn.
- Phối hợp tham gia triển khai chuỗi dự án sản xuất và cung ứng nhiên liệu phát thải cacbon thấp như: khí sinh học, hydrogen và các dẫn xuất của hydrogen, nhất là hydrogen xanh từ năng lượng tái tạo theo hướng xuất khẩu và từng bước thay thế khí tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác.
- Triển khai xây dựng hệ thống đường ống cung cấp khí đồng bộ với các kho, cảng nhập khẩu LNG trung tâm để đảm bảo hiệu quả cung cấp khí cho nhu cầu sản xuất điện, công nghiệp và dân sự.
(3) Lĩnh vực công nghiệp điện và năng lượng tái tạo/Năng lượng mới
- Phát huy lợi thế của ngành dầu khí trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Nghiên cứu, xây dựng hạ tầng cho sản xuất, xuất khẩu điện gắn với các dự án điện gió ngoài khơi, ven biển đồng bộ với hạ tầng cáp quang viễn thông. Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước.
- Triển khai thí điểm dự án sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi; sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh, năng lượng tái tạo gắn với lợi thế của ngành dầu khí.
- Xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG - điện - lọc, hoá dầu, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có điều kiện, lợi thế tại các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, các khu vực, địa bàn đã được đầu tư hạ tầng năng lượng, dầu khí phù hợp với đặc thù của từng địa phương (Nghệ An, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận...).
- Hướng tới sản xuất năng lượng mới (hydrogen xanh, amoniac xanh,…)
(4) Lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu
- Tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm dầu khí, hiệu quả tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; Ưu tiên phát triển các nhà máy lọc, hoá dầu đang hoạt động hiệu quả.
- Tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí) và hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng hiệu quả sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.
- Nghiên cứu, đầu tư các dự án hoá dầu, hoá chất mới, các dự án sản xuất và cung ứng nhiên liệu phát thải cacbon thấp (nhiên liệu sinh học thế hệ mới, SAFs,…) gắn với trung tâm chế biến dầu khí, trung tâm năng lượng tái tạo; chuyển đổi nhiên liệu, sản phẩm theo hướng xanh hoá, giảm phát thải CO2; các dự án tái chế sử dụng nguồn phế thải trong nước; khuyến khích mạnh mẽ sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu mới.
- Hướng tới tích hợp ứng dụng năng lượng tái tạo, hydro xanh, amoniac xanh và các sản phẩm mới có giá trị gia tăng, thu hồi CO2 với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.
(5) Lĩnh vực công nghiệp chế tạo và dịch vụ dầu khí
- Phát triển lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, dầu khí chất lượng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tỉ lệ nội địa hoá và năng lực tự chủ, trở thành lĩnh vực mũi nhọn của ngành dầu khí.
- Phát triển các loại hình dịch vụ mới như thu hồi, lưu trữ, xử lý CO2, tham gia chuỗi cung ứng, kinh doanh hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm sạc xe điện..., đầu tư chuỗi giá trị năng lượng mới, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ dầu khí, dịch vụ công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió ngoài khơi trong khu vực.
Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, trách nhiệm, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, từng bước xây dựng và phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh biển, đảo, an toàn môi trường sinh thái.
Trần Quang Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam