Bắc Ninh thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 10/08/2023 16:05
(ĐCSVN) - Từ năm 2016, khi Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp, phong trào này đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh đã hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vốn… và thực hiện nhiều chương trình, đề án, giải pháp đột phá để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất “trăm nghề” và cơ chế ưu đãi của tỉnh, thanh niên Bắc Ninh từ thành thị đến nông thôn đã và đang viết nên câu chuyện khởi nghiệp từ đam mê, hoài bão và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Dương Quốc Cường, sinh năm 1990, sinh ra ở thị trấn Thứa (huyện Lương Tài), tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, có cơ duyên làm trong hoạt động xuất nhập cảnh. Tuy nhiên với khát vọng làm giàu nơi mình sinh ra nên Cường quyết định trở về quê lập nghiệp. Với mong muốn hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, nhóm 5 thanh niên trẻ thuộc Hội doanh nhân trẻ huyện Gia Bình có chung ý tưởng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng, thành lập HTX Nông nghiệp xanh Phú Cường tại xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình).

 Trang trại tổng hợp hơn 5 ha của  HTX Nông nghiệp xanh Phú Cường tại xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình) được vay 2 tỷ đồng nguồn vốn khởi nghiệp (Ảnh: ĐVCC)

Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, 77 hộ gia đình thôn Lương Pháp đã bàn giao hơn 5 ha đất nông nghiệp của cho HTX thuê lại để triển khai mô hình du lịch sinh thái. Mô hình được phân thành 3 tổ hợp: Khu trồng rau hữu cơ, khu du lịch trải nghiêm, khu dịch vụ ăn uống. Hiện dự án mới ở giai đoạn đầu triển khai với tổng nguồn vốn đã đầu tư là hơn 10 tỷ đồng.

Anh Dương Quốc Cường chia sẻ: Sau khi Phòng giao dịch NHCSXH huyện và Huyện Đoàn thẩm định bảo đảm đầy đủ các yếu tố, chúng tôi được vay 2 tỷ đồng theo Dự án khởi nghiệp (số vốn tối đa của dự án). Khi khởi nghiệp, vốn là một vấn đề thiết yếu, trên thực tế hầu hết "Startup" Việt khó khăn trong khâu tiếp cận vốn và kêu gọi vốn. Bởi vậy, khi được tiếp cận vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh thực sự là đòn bẩy giúp tôi và các thành viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời để HTX tiếp tục đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí của người dân, trở thành địa chỉ du lịch mới lạ của vùng Nam Đuống.

Cũng như anh Cường, nhiều thanh niên trong tỉnh khi bắt tay vào dựng nghiệp đã nhận được những chính sách ưu đãi từ nguồn vốn vay hỗ trợ khởi nghiệp thông qua NHCSXH để thực hiện khát vọng làm giàu cho bản thân và chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Có không ít bạn trẻ mạnh dạn từ bỏ cơ hội tiến thân ở phố thị để về quê lập nghiệp. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để có được những thành công ban đầu.

Anh Nguyễn Đăng Việt, chủ dự án nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo, (thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và Thiết bị Hoàng Linh), khu phố Sơn, phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) khẳng định: Thông qua Đề án, tháng 7/2022 tôi được NHCSXH và tổ chức Đoàn hỗ trợ vay số vốn 1,8 tỷ đồng. Nguồn vốn giúp tôi mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị sản xuất. Hiện sản phẩm (cả nguyên liệu đông trùng hạ thảo thô và sản phẩm tươi) của Công ty được bán nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trẻ, với thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

 Dự án trồng nấm của Công ty Cổ phần Thương mại và Thiết bị Hoàng Linh, khu phố Sơn, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh (Ảnh: Báo Bắc Ninh).

Đến thăm cơ sở xay xát và buôn bán gạo của đoàn viên Đoàn Đắc Nhiên, sinh năm 1995, thôn Ngọc Thượng, xã Phú Hoà (huyện Lương Tài), chúng tôi ấn tượng bởi hệ thống máy móc hiện đại. Năm 2016, xuất ngũ trở về địa phương, được tư vấn, hướng nghiệp của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Nhiên đi du học tại Nhật. Sau 5 năm bên xứ người, năm 2021, Nhiên về nước phát triển nghề xay xát của gia đình. Duy trì mô hình cũ một thời gian, năm 2022 Nhiên được hỗ trợ vay NHCSXH huyện 650 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn và đầu tư xây nhà xưởng, mua thêm thiết bị mới để xay xát gạo (máy tách trấu, tách thóc, xát trắng...), thu mua thóc của người dân địa phương, xuất bán cho các đại lý (chủ yếu sang Bắc Giang). Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, hiện bình quân mỗi tuần cơ sở xay xát của Đoàn Đắc Nhiên xuất ra thị trường gần 20 tấn gạo; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 6- 8 triệu đồng/người/tháng.

Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 300.000 thanh niên từ 16 - 30 tuổi, chiếm 25,5% lực lượng trong độ tuổi lao động xã hội của tỉnh. Thanh niên luôn là lực lượng xung kích, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Bảo Đại cho biết: Tỉnh Đoàn Bắc Ninh là một trong số ít đơn vị trong cả nước tham mưu được Đề án Hỗ trợ thành niên khởi nghiệp với UBND tỉnh, HDND tỉnh và cũng là đơn vị đầu tiên khu vực phía Bắc xây dựng được nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp ủy thác qua NHCSXH.

Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn, được ban hành vào thời điểm phong trào khởi nghiệp đang phát triển và được đoàn viên thanh niên, người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nguồn vốn cho vay thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia về phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, tạo được hiệu ứng tích cực khuyến kích những ý tưởng sáng tạo mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phòng ngừa, hạn chế tệ nạn cho vay nặng lãi, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

 NHCSXH họp giao ban với các tổ chức hội đoàn thể rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn (Ảnh: Báo Bắc Ninh).

Thực tế cho thấy nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên rất lớn. Do vậy, việc tư vấn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và lập nghiệp là hết sức cần thiết, giúp thanh niên nắm vững kiến thức chuyên môn về kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp, quản lý và điều hành doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và gắn bó với tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh.

Theo ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các dự án khởi nghiệp của thanh niên do Tỉnh Đoàn đề xuất gửi sang Ngân hàng, sau khi thẩm định đều được vay vốn, nhiều dự án được vay tối đa 2 tỷ đồng, thời hạn 5 năm, lãi suất 5%/ năm. Có thể khẳng định, với những cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, sự đồng hành của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh diễn ra khá sôi nổi. Với tư duy đột phá và mạnh dạn trong khởi nghiệp, nhiều thanh niên đã không ngừng vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương. Họ chính là những tấm gương sáng trong khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân.

Sau 5 năm triển khai Đề án từ hơn 550 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký vay vốn với doanh số cho vay 116,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động với 99 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp và 50 dự án mở rộng sản xuất kinh doanh. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ cho vay dự án khởi nghiệp ủy thác qua NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đạt 88,4 tỷ đồng với 92 khách hàng còn dư nợ. Trong đó huyện Gia Bình là đơn vị dẫn đầu có 19 dự án, hỗ trợ số vốn 21,2 tỷ đồng; Tiên Du 15 dự án được hỗ trợ 11,2 tỷ đồng, thành phố Bắc Ninh 9 dự án, được hỗ trợ 10,6 tỷ đồng.
CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực