|
Nhà máy thủy điện Sơn La. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn). |
"Kính thưa các vị đại biểu, khách quý; thưa toàn thể các đồng chí!
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.109 km2 (lớn thứ 3 cả nước), với dân số trên 1,3 triệu người. Sơn La có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, đặc biệt là thủy điện. Với mạng lưới sông, suối khá dầy thuộc lưu vực của 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo về thủy điện. Tính đến 30/10/2024, tỉnh Sơn La đã có 60 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất trên 3.790 MW, chiếm khoảng 16,86% tổng công suất thủy điện cả nước.
Trong những năm qua, công nghiệp năng lượng của tỉnh Sơn La có những bước phát triển tích cực, góp phần cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh (Năm 2023, nguồn thu từ thủy điện đã đóng góp hơn 1.937 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh, chiếm trên 45% tổng thu ngân sách trên địa bàn). Tuy nhiên, việc phát triển Năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Được sự cho phép của Ban tổ chức tại Diễn đàn "Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tôi xin trình bày tham luận với chủ đề: "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội".
Kính thưa các đồng chí!
An ninh năng lượng được hiểu là khả năng của một quốc gia trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, an toàn và bền vững. Điều này không chỉ bao gồm việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới mà còn liên quan đến việc quản lý hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ, khí đốt, than đá (nguồn năng lượng này sẽ dần được chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam) và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng cho mọi người dân.
An ninh năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế mà còn là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Khi đảm bảo an ninh năng lượng, các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, đời sống của người dân được cải thiện và môi trường sống được bảo vệ. Với một số lý do chính bao gồm:
- Đảm bảo ổn định kinh tế: Nguồn năng lượng ổn định giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi có đủ năng lượng, các ngành công nghiệp có thể sản xuất, phát triển mà không bị gián đoạn.
- Tăng cường sức cạnh tranh: Một nền kinh tế có an ninh năng lượng tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Điều này không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế.
- Bảo vệ môi trường: Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
Mặc dù an ninh năng lượng có vai trò rất quan trọng; nhưng để đảm bảo được đều này, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm:
- Biến đổi khí hậu: Thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, thủy điện.
- Cạnh tranh quốc tế: Sự cạnh tranh giữa các quốc gia về nguồn năng lượng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả tăng cao.
- Cơ sở hạ tầng: Thiếu cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải, lưu trữ năng lượng cần thiết để phát triển và quản lý nguồn năng lượng hiệu quả.
Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Theo tính toán của các chuyên gia, để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, thì nhu cầu điện cần tăng khoảng 1,5% (đây là số liệu theo phát biểu của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2024 đăng trên Cổng thông tin Chính phủ). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao. Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội) xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đạt bình quân khoảng 7%; giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt 6,5% - 7,5%. Như vậy nhu cầu điện tăng khoảng 9 - 10%/năm (Do việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp và thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… quá trình công nghiệp hoá dần hoàn thành, nên hiệu suất sử dụng năng lượng ngày càng cao khi đó hệ số đàn hồi giữa GDP và tăng trưởng điện có xu hướng giảm). Để đạt được tăng trưởng khoảng 9 - 10%, đòi hỏi cần có quy hoạch; các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho ngành điện phát triển, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch. Các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp các đề án/dự án để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước; thực hiện tốt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024) với quan điểm phát triển như sau:
(1) Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
(2) Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với các loại hình năng lượng. Khuyến khích mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
(3) Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.
(4) Đẩy nhanh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên năng lượng sơ cấp phục vụ nhu cầu nền kinh tế quốc dân chính xác, tin cậy; đầu tư phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn khác cho công tác điều tra cơ bản địa chất, thăm dò tài nguyên theo quy hoạch, kế hoạch. Thông tin, dữ liệu địa chất, tài nguyên nguồn năng lượng hoá thạch phải được tổng hợp đầy đủ, toàn diện, được quản lý tập trung, thống nhất và minh bạch trên nền tảng công nghệ số.
(5) Nghiên cứu, đầu tư hiệu quả ra nước ngoài để khai thác tài nguyên năng lượng sơ cấp (đặc biệt chú ý đối với những loại năng lượng mà Việt Nam phải nhập khẩu và đưa về Việt Nam sử dụng nhằm giảm dần khối lượng phải nhập khẩu) phù hợp theo Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.
(6) Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng.
(7) Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Kính thưa các đồng chí!
Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành kế hoạch học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW. Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ Tướng thủy điện lớn đã vận hành thương mại với tổng công suất 3.120MW[1]. Hệ thống lưới điện truyền tải điện trên địa bản tỉnh Sơn La bao gồm lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV, 35 kV nhằm truyền tải tại các nhà máy thủy điện của tỉnh Sơn La và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái. Các đường dây truyền tải của tỉnh Sơn La đảm bảo được việc truyền tải hết công suất các nguồn điện của tỉnh, cho phép phát triển đến năm 2030; hiện nay hệ thống truyền tải còn năng lực truyền tải Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 12/5/2023, với tổng quy mô công suất dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo là hơn 5.000 MW[2] và 03 thêm khoảng hơn 2.000MW, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển các nguồn điện trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Sơn La nói riêng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Ngoài nguồn năng lượng đã được đưa vào quy hoạch điện VIII, tỉnh Sơn La còn nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng nguồn năng lượng tái tạo (Qua khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thì Thủy điện Sơn La có thể mở rộng công suất thêm 800MW, thủy điện Huội Quảng có thể mở rộng công suất thêm 260 MW; phát triển thủy điện tích năng có tiềm năng khoảng 6.600MW, điện mặt trời nổi trên vùng lòng hồ các thủy điện khoảng 1.000MW, điện gió có tiềm năng khoảng 2.800 MW…). Bài học về việc thiếu điện cho sản xuất và đời sống năm 2023 xảy ra ở miền Bắc đã cho thấy những tác động, thiệt hại rất lớn. Worldbank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023, khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP; không chỉ vậy việc này còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành năng lượng mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội trong đó có tỉnh Sơn La. Chỉ khi chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh năng lượng, chúng ta mới có thể xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với những quan điểm, mục tiêu và giải pháp tại Nghị quyết số 55-NQ/TW "về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng an ninh năng lượng quốc gia sẽ được đảm bảo, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!"
[1] Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW , Huội Quảng công suất 520 MW , Nậm Chiến 1 công suất 200 MW.
[2] Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
(1) Điện gió: Có 18 dự án được quy hoạch với tổng công suất dự kiến 2.837 MW.
(2) Điện sinh khối: Có 02 dự án công suất 34 MW.
(3) Điện mặt trời: Có 15 dự án quy hoạch với tổng công suất dự kiến 996MW.
(4) Điện rác: Có 02 dự án với tổng công suất 7MW.
(5) Thủy điện: Ngoài 03 thủy điện lớn có 107 thủy điện vừa và nhỏ công suất 1.227,4 MW (Trong đó: 57 thủy điện đã vận hành thương mại với công suất là 670,05 MW; 19 thủy điện đang trong quá trình thực hiện đầu tư và xây dựng với công suất 242,1MW; 31 thủy điện tiềm năng với tổng công suất là 340,5 MW)