|
Ngành năng lượng giữ vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của nước ta. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn). |
Ngành năng lượng giữ vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của nước ta. Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định với chi phí hợp lý là nền tảng cốt lõi cho sự tăng trưởng bền vững. An ninh năng lượng, cùng với các biện pháp đảm bảo nó, luôn là một ưu tiên trong chính sách quốc gia về năng lượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự sụt giảm đầu tư vào ngành năng lượng đã tạo ra một khoảng trống đáng lo ngại, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của đất nước. Trước bối cảnh nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ cao, việc coi an ninh năng lượng như một trụ cột trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
1. An ninh năng lượng quốc gia là nền tảng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trước yêu cầu cấp thiết của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung dần cạn kiệt. Do đó, cần có một kế hoạch rõ ràng cho việc phát triển các mô hình năng lượng sạch và bền vững trong tương lai. Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định việc phát triển năng lượng cần gắn liền với các chính sách bảo vệ môi trường, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững với một số mục tiêu sau: (1) Đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Tổng công suất các nguồn điện dự kiến đạt 125-130 GW vào năm 2030 với sản lượng điện 550-600 tỷ KWh. Đặc biệt, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp sẽ đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và tăng lên 25-30% vào năm 2045; (2) Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 dự kiến là 105-115 triệu TOE và lên 160-190 triệu TOE vào năm 2045, với cường độ năng lượng sơ cấp dự kiến giảm dần, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; (3) Đảm bảo các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước và mức dự trữ xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng; (4) Tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 7% tổng tiêu thụ vào năm 2030 và 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với quốc phòng, an ninh, và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Phát triển năng lượng phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế, nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, loại bỏ các biểu hiện bao cấp, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng.
2. Những thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam
Một là, thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Trước xu hướng toàn cầu, Việt Nam quyết tâm chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch truyền thống sang năng lượng xanh, sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp năng lượng ổn định với chi phí hợp lý cho toàn dân. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện cam kết này đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương lập kế hoạch hành động cụ thể cho từng lĩnh vực.
Chuyển đổi sang năng lượng xanh, bền vững và giảm dần phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch là cốt lõi để đạt tăng trưởng xanh và thực hiện các mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ là bài toán của ngành năng lượng, mà còn là quá trình chuyển đổi toàn diện nền kinh tế từ mô hình sử dụng năng lượng nhiều sang sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững đòi hỏi nhu cầu nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng "0" có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.
Hai là, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Theo Quy hoạch Điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm dự kiến tăng khoảng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2025, điện thương phẩm ước đạt 337,5 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. So với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, sản lượng này thấp hơn khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2025 và gần 230 tỷ kWh vào năm 2030. Tình trạng thiếu điện đang trở thành nguy cơ hiện hữu trong cả trung hạn (giai đoạn 2025 - 2030) và dài hạn (giai đoạn 2030 - 2050). Thực tế trong năm 2023, nhiều địa phương khu vực phía Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, dẫn đến việc cắt điện trên diện rộng.
Ba là, hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là hiệu quả sử dụng điện trong phát triển kinh tế của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng đa dạng; ngành năng lượng đã đạt được một số thành tựu trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Tính hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là sử dụng điện (sử dụng tới 700kWh để làm ra 1.000 USD) trong phát triển kinh tế của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Bốn là, thiếu tính đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phụ thuộc cao vào các dạng năng lượng truyền thống. Đến tháng 5/2023, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 80.704 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới. Trong đó, công suất nhiệt điện than chiếm 32,3%, thủy điện chiếm 28,5%, điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) chiếm 20,5%, tua bin khí chiếm 9,2%, điện gió chiếm 6,3%, các nguồn khác (bao gồm nhiệt điện dầu, điện sinh khối, nhập khẩu) chiếm 3,2%. Từ số liệu tổng hợp ở trên cho thấy, Việt Nam phải cân đối phát triển các loại hình nguồn điện đa dạng để hướng tới tuyên bố của Việt Nam tại COP26 nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Năm là, các nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu ngày càng lớn. Từ năm 2015, Việt Nam trở thành một nước nhập khẩu năng lượng, nhập khẩu thuần than và xu hướng này ngày càng tăng. Từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và đến năm 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu (theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019). Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành.
Trong giai đoạn 2016-2020, có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ. Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là nguồn điện năng lượng mặt trời) lại thực hiện vượt quá mức quy hoạch. Điều này dẫn tới khó khăn trong cân đối cung cấp điện do số giờ vận hành tương đương của nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 so với số giờ vận hành tương đương của nguồn nhiệt điện truyền thống.
Bảy là, công tác triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ. Cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.
Tám là, bất cập trong chính sách giá. Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm minh bạch. Các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Giá điện được điều chỉnh nhưng chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực được đánh giá chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần. Vẫn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện... chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường.
3. Bên cạnh các yếu tố mang tính truyền thống ảnh hướng, tác động đến bảo đảm an ninh năng lượng, trong tình hình hiện nay, xuất hiện nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống đe doạ đến an ninh năng lượng, như: (1) Nguy cơ khủng bố có khả năng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, nhất là công trình trọng điểm của ngành điện, như các trạm biến áp 500kV, đường dây truyền tải cao áp 500kV, các nhà máy điện lớn; (2) Tác động của biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới việc cung ứng và nhu cầu năng lượng; (3) Nguy cơ dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nên tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện từ năm 2020 đến cuối năm 2023 đã giảm xuống so với giai đoạn 2016-2019, năm 2020, điện thương phẩm có tốc độ tăng trưởng âm.
4. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Trên cơ sở đó, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm của hệ thống năng lượng nước ta. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiêp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận các thông tin về công nghệ, các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo cơ chế hỗ trợ đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 25% - 40%. Cùng với các chỉ số về hiệu quả sử dụng năng lượng như đánh giá ở trên thì đây là con số đáng để chúng ta suy ngẫm khi nghiên cứu soạn thảo quy hoạch phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.
Chính phủ cần nghiên cứu chuyển dần từ hình thức khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng, phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này. Cần áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; quan tâm đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ…
Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.
Thứ ba, đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, ngay cả với các nguồn năng lượng tái tạo, như rác thải từ điện mặt trời… hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ tư, thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Cần hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng giá bán lẻ điện cho khu vực đô thị riêng, khu vực nông thôn riêng; bởi vì người dân sinh sống ở các đô thị được hưởng điều kiện sống, môi trường làm việc, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật,…cao hơn so với người dân sinh sống ở khu vực nông thôn.
Thứ năm, để duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cần thực hiện một số giải pháp quản trị như sau: (1) Nâng cao khả năng chống chịu và giảm mức độ tổn thương của các nguồn cung, truyền tải, lưu trữ năng lượng, phân phối năng lượng trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai; (2) Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng; (3) Phát triển các nguồn lực từ xã hội và người dân, từ các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, truyền tải, phân phối các dạng năng lượng, đặc biệt là năng lượng mới, năng lượng tái tạo; (4) Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai; (5) Phát triển hợp tác quốc tế, các đối tác chiến lược và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện biến đổi khí hậu; (6) Hoàn thiện và phát triển thể chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống, kể cả trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu sống còn đối với một quốc gia, là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.