Cần nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng sinh khối đi đối với phát triển kinh tế tuần hoàn ở nông thôn Việt Nam

Thứ bảy, 14/12/2024 13:40
(ĐCSVN) - Từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI trên thế giới đã xuất hiện cuộc "cách mạng nguồn năng lượng mới", dẫn đến tăng không ngừng tỷ trọng nguồn năng lượng mới có thể tái tạo, được liệt vào nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro, năng lượng sinh khối ...). Nhiều nhà khoa học dự báo: trong những nguồn năng lượng mới nói trên năng lượng sinh khối sẽ là nguồn năng lượng chủ lực ở nông thôn.

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh: "Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. "Khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch". "Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn".

Năng lượng sinh khối là một trong những loại năng lượng mới đang được thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất về năng lượng sinh khối (biomass energy) nên có những cách diễn giải khác nhau. Thí dụ: Một tập thể các nhà khoa học ở Trung Quốc, tác giả công trình "Dự báo thế kỷ 21" cho rằng: "Tất cả các chất có nguồn từ động thực vật đều là chất sinh học. Chất sinh học bao gồm cây cối, ngũ cốc, thực vật mọc dưới nước, hệ thống sinh thái thiên nhiên và các phế thải hữu cơ v.v...". Theo tính toán, lượng hàng năm của nguồn nhiên liệu này trên thế giới là 162 tỷ tấn, tính thành than nguyên chất là 115 tỷ tấn.[1]

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong bài "Thực trạng khai thác, sử dụng năng lượng sinh khối cho phát triển xanh ở Việt Nam hiện nay", thì "năng lượng sinh khối được hiểu là năng lượng có nguồn gốc từ các vật liệu hữu cơ, rác thải của một số hoạt động sản xuất trong nông nghiệp như trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải từ chăn nuôi, chất thải sinh hoạt... Sinh khối là dùng công nghệ sinh học để chuyển hóa các chất thải hữu cơ thành năng lượng ga phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Các nhà máy điện sử dụng sinh khối đốt cháy nguyên liệu từ sinh khối để tạo ra hơi nước, làm quay tua-bin và tạo ra điện.

 

Hiện nay, trên thế giới năng lượng sinh khối chiếm đến 15% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, tỷ trọng năng lượng sinh khối ở mức 35%-45% tổng cung cấp nguồn năng lượng...

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, có gió mùa, nhiều nắng, lượng mưa lớn và độ ẩm cao thuận lợi cho phát triển sinh khối. Nhưng những nguồn phụ phẩm, chất thải nông nghiệp không được tái sử dụng nên vừa lãng phí nguồn năng lượng sinh khối vừa gây ô nhiễm môi trường.

Tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam không nhỏ. Theo dự báo của cơ quan năng lượng quốc gia Việt Nam, nguồn sinh khối để sản xuất năng lượng đạt 150 triệu tấn mỗi năm, có thể tạo ra năng lượng quy đổi tương đương gần 50 triệu tấn dầu.

Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, năng lượng sinh khối mới chỉ cung cấp tương ứng 0,14% lượng điện thương phẩm quốc gia và 0,94% công suất lắp đặt trên toàn quốc với 522,27 MW. Trong Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 năng lượng sinh khối chiếm 1% tổng sản lượng điện và khoảng 1,2% vào năm 2025, khoảng 2,1% vào năm 2030.[2]

Như vậy, cả về lý luận và thực tiến, nguồn năng lượng sinh khối ở Việt Nam chỉ mới được bắt đầu khởi sự trong thời gian gần đây, trong khi vấn đề này đã xuất hiện ở nhiều nước từ mấy thập niên cuối thế kỷ XX.

Thí dụ: Năm 1997 tôi được tham gia đoàn cán bộ khoa học sang nghiên cứu kinh tế ở Trung Quốc, đã đến thăm nông trang sinh thái Lưu Minh Doanh, thuộc huyện Đại Hưng ở ngoại ô Bắc Kinh, một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng phương pháp tiếp cận sinh thái trong nông nghiệp. Nông trang đã hoạt động theo phương pháp mới này trên một chục năm, đã đạt được nhiều thành tựu, nên tháng 6 năm 1987 được Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc công nhân là một trong năm trăm nông trang xuất sắc của thế giới và tuyên dương là một trong những thôn nông nghiệp sinh thái mới của thế giới. Nông trang rộng khoảng 150ha, diện tích canh tác khoảng 130ha, với 240 hộ, 892 nhân khẩu. Nông trang kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Trồng ngô, lúa mì, rau xanh, cây ăn quả, ươm giống cây nhiều loại, cây cảnh, cây lấy gỗ kết hợp với phủ xanh vành đai quanh nông trang; chăn nuôi gà công nghiệp, vịt, lợn, bò sữa, cá. Nông trang có nhà máy chế biến vịt quay đóng gói để bán ra thị trường; xây dựng nhà có mái che trồng cà chua giống Israel, tổng diện tích khoảng 20ha. Nông trang đặt hệ thống tưới phun để tiết kiệm nước, và hệ thống ống cung cấp nước sạch ngầm dưới đất tới các hộ. Đặc biệt là hệ thống ống dẫn khí ga và mạng lưới dẫn điện tiếp xúc với hai trạm phát khí ga được xây dựng để tận dụng các phế thải nông nghiệp, mà ngày nay gọi là năng lượng sinh khối, để phục vụ cho các hộ trong nông trang đun nấu, thắp đèn, xem ti-vi v.v... Nhiều hộ còn có bình tắm nước nóng bằng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời do trường đại học Thanh Hoa nghiên cứu, lắp đặt. Cặn bã của hai trạm phát khí được sử dụng làm phân bón cây trồng.

Không những đời sống vật chất của các hộ trong nông trang được nâng cao mà mức sinh hoạt tinh thần cũng ngày càng được cải thiện. Nông trang xây dựng một trường tiểu học ba tầng khang trang và tất cả học sinh tiểu học đều được hoàn toàn miễn phí. Hầu hết thanh niên trong nông trang học hết phổ thông trung học, một số được nông trang gửi đi đào tạo đại học. Nông trang còn mời chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp và một số trường đại học khác về nghiên cứu giúp đỡ nông trang hiểu rõ và ứng dụng những tri thức mới về nông nghiệp hiện đại. Nông trang có phòng khiêu vũ, phòng hát ka-ra-o-kê hiện đại, phòng đọc sách, phòng chơi bi-a và bóng bàn: Nông trang không những tận dụng hết lao động mà còn thu nhập thêm người từ nơi khác đến phụ trợ một số dịch vụ, nhất là những thời vụ.

Gần ba mươi năm đã trôi qua, bây giờ tôi không rõ nông trang đã biến đổi như thế nào. Những nét hồi tưởng sơ lược về nông trang chỉ nhằm minh họa một mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, sử dụng nguồn năng lượng sinh khối đi đôi với phát triển kinh tế tuần hoàn, đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ được môi trường, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của mọi người trong đơn vị.

Nghị quyết số 55-NQ/TW khi đề cập nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo cũng chủ trương: khuyến khích đầu tư xây dựng những nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay còn những cách diễn giải khác nhau về khái niệm kinh tế tuần hoàn. Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phát hiện khái niệm kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức lần đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990) để chỉ mô hình tinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản: "Mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác". Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xuất: "Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ hướng tới kéo dài vòng đời nguyên liệu và xóa bỏ tác động tiêu cực đến môi trường". Ngoài ra còn định nghĩa của tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), định nghĩa trong luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam, trong Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam v.v..[3]

Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất, nhưng những nét nổi bật trong khái niệm kinh tế tuần hoàn được nhiều người nghiên cứu nhắc đến là: chất thải của hoạt động này là đầu vào của hoạt động khác; mục tiêu cốt lõi của kinh tế tuần hoàn là kéo dài tuổi thọ của nguyên liệu, vật liệu bằng cách tái sử dụng nhiều lần chứ không chỉ sử dụng một lần; loại bỏ hay giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao hiệu quả kinh tế ...

Ở Việt Nam, việc ứng dụng, phát triển kinh tế tuần hoàn đi đôi với ứng dụng, phát triển năng lượng sinh khối có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn là nông nghiệp lạc hậu, phân tán, phần lớn vẫn là kinh tế hộ và hợp tác xã nông nghiệp nhỏ trình độ công nghệ thấp; nhận thức của nông dân, kể cả phần lớn cán bộ quản lý kinh tế tại địa phương, về lĩnh vực này còn hạn chế; vốn tự có và khả năng tiếp cận tín dụng rất eo hẹp; khung pháp lý và chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện v.v... Bởi vậy phải nghiên cứu và thực hiện những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân giải quyết những khó khăn kể trên, nhất là phải đẩy mạnh phòng trào hợp tác hóa nông nghiệp, thì mới có điều kiện cần và đủ để phát triển mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn.

Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất (ngày 31 tháng 10 năm 1955) Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: "Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ: nông thôn phải kinh qua 2 cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất là một cuộc; cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hóa nông nghiệp"[4].

Trong Diễn văn khai mạc hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) (ngày 16 tháng tư năm 1959) Người phân tích: "Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp của ta đại bộ phận đã xã hội hóa, nhưng nông nghiệp thì nhiều nơi còn làm ăn riêng lẻ. Như thế là hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được. Vì vậy, chúng ta phải hợp tác hóa nông nghiệp ..."[5].

Tuy nền kinh tế của nước ta trong thời kỳ đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng, như nhận định trong văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: "Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm..."[6]. Bởi vậy, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn đi đôi với phát triển năng lượng sinh khối ở Việt Nam thì phải cấp thiết thúc đẩy phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.



[1] Dự báo thể kỷ 21, NXB Thống kê, Hà Nội - 2000, tr182

[2] Phát triển Kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc giá, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội - 2024, lược ý trong các trang: 506, 507, 508, 509, 510, 511.

[3] TS Trần Thị Hồng Minh "Tư duy thử nghiệm chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển kinh tế xanh - lý luận và thực tiễn" Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội - 2024, tr882, 883,884,885.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội - 2000, tr76.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội - 2000, tr409-410

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội-2021, tr81.

 

GS. TS Đỗ Thế Tùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực