Chuyển đổi năng lượng bền vững cùng “Diễn đàn triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”

Thứ năm, 12/10/2023 18:06
(ĐCSVN) - Ngày 12/10, tại Khách sạn Meliá Hanoi – số 44 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”.
Diễn đàn do Báo điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhằm nhìn lại quá trình phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian vừa qua và trao đổi về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, qua đó tìm cách giải quyết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đã tham gia đồng hành cùng chương trình.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam 

Tham dự Diễn đàn có ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Miền Bắc; lãnh đạo tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ; cùng hơn 200 khách mời đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu.

Năm 2023 được coi là thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, từ việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang việc ưu tiên và khai thác tối đa nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm mục đích bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (COP26).

Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII, các cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thể hiện thông qua việc điều chỉnh cơ cấu nguồn điện  tại Quy hoạch điện VIII: Tập trung đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (tỷ trọng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản suất là 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045); Không xây dựng nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030; Dừng sử dụng than cho phát điện năm 2050; Phần lớn các nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro đến 2050…

Tuy nhiên trên thực tế, thực hiện việc chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức: Năng lượng tái tạo yêu cầu vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn lâu; Giá thành sản xuất cao hơn nguồn năng lượng truyền thống; Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp; công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời còn nhiều bất cập, phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải điện…

Toàn cảnh Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như thời gian vừa qua, cần đánh giá thực trạng của tiến trình phát triển năng lượng để đưa ra các đề xuất đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững. Phát triển năng lượng bám sát xu thế phát triển của khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng các loại hình năng lượng theo lộ trình và các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận và trao đổi về các cơ hội và thách thức, triển vọng phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam, qua đó góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về phát triển năng lượng hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực