Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới

Thứ ba, 17/12/2024 10:01
(ĐCSVN) - Năng lượng là huyết mạch cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Để có tăng trưởng bền vững cần phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay và gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính đột phá theo hướng gia tăng cung nội địa và mở rộng hợp tác, đa dạng hoá thị trường cung cấp năng lượng.
 

1. An ninh năng lượng

Thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Do vậy bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia. An ninh năng lượng chính là việc bảo đảm đầy đủ, kịp thời những nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Các quốc gia xuất khẩu năng lượng sẽ nhấn mạnh khía cạnh bảo đảm nguồn cầu trong hoạt động xuất khẩu của mình, còn các quốc gia nhập khẩu lại quan tâm đến mức giá, nguồn cung ổn định, thuận tiện.

Có thể thấy nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, nhu cầu về năng lượng của các quốc gia nhìn chung được bảo đảm tương đối ổn định qua thị trường. Song có một thực tế là các sản phẩm công nghiệp chế biến luôn có giá so sánh cao hơn giá nguyên nhiên liệu trên thị trường và vì vậy các nước phát triển luôn có lợi thế và giành được nguồn lợi từ chính tình trạng này. Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào độc lập dân tộc, việc khai thác thuộc địa trở nên khó khăn, việc tranh chấp các nguồn tài nguyên ngày càng quyết liệt. Đó cũng là chất xúc tác dẫn đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 - 1974. Tình trạng ngắt quãng hoặc không ổn định trong cung cấp dầu mỏ đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng kép, khủng hoảng cơ cấu đi liền khủng hoảng chu kỳ. Thời kỳ này, an ninh năng lượng được hiểu theo nghĩa hẹp đồng nghĩa với an ninh dầu mỏ, tức là bảo đảm khả năng tự cung cấp dầu ở mức cao nhất, đồng thời giảm mức nhập khẩu dầu và kiểm soát được những nguy cơ đi kèm việc nhập khẩu.

Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều quốc gia đã có chuyển đổi trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng, giảm bớt dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng mới. Đặc biệt từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình liên kết, hội nhập quốc tế được thúc đẩy, toàn cầu hóa kinh tế trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế thế giới. Bối cảnh này đã làm cho quan niệm về an ninh nói chung và an ninh năng lượng nói riêng có sự chuyển dịch, mở rộng. An ninh trong bối cảnh này chính là an ninh tương tác, việc bảo đảm các điều kiện cho sản xuất và đời sống của các quốc gia, của những nước xuất khẩu hay nhập khẩu đều gắn bó ràng buộc lẫn nhau.

Những năm gần đây tình hình thế giới có những biến động phức tạp khó lường; xung đột cục bộ gắn với chiến tranh uỷ nhiệm bùng phát ở một số nơi; cùng với đó vấn đề an ninh phi truyền thống cũng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc bảo đảm an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững. Cạnh tranh bảo đảm an ninh năng lượng cũng vì vậy ngày càng quyết liệt hơn. An ninh năng lượng được nhấn mạnh ở khía cạnh bảo đảm nguồn cung ổn định, đa dạng về thị trường và cơ cấu nguồn năng lượng, trong đó năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú ý hơn. Với sự chuyển dịch này cơ cấu tiêu dùng năng lượng thế giới cũng có thay đổi theo hướng giảm dần năng lượng hoá thạch. Cụ thể năm 1985, than, dầu và khí đốt tự nhiên chiếm 88,7%, thì đến năm 2020 chỉ chiếm 83,1% tổng tiêu thụ năng lượng và đến 2023 còn 81,5%. Trong khí đó tỷ phần năng lượng tái tạo tăng lên, chiếm 6,71% năm 2021 lên 14,6% năm 2023.

Đối với Việt Nam, hiện nay, cơ cấu của nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ thâm dụng nhiên liệu, năng lượng và vốn, lao động sang dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên đi liền với mở rộng quy mô kinh tế nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Và để bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Thực trạng bảo đảm an ninh năng lượng

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 ngành năng lượng có bước phát triển mạnh mẽ, tổng năng lượng sơ cấp tăng bình quân 8,7%/năm, tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng bình quân 6,8%/năm; tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 đạt 247 tỷ kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2015; ngành dầu khí đóng góp ngân sách 7 - 10%/năm; ngành than đáp ứng đủ than cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu sản xuất điện; chất lượng xăng dầu được tăng lên, số trạm cung ứng xăng dầu bao phủ nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời có bước phát triển đột phá, đã hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế, góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng. Số liệu thống kê cho thấy, tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000MW, trong đó có 5.290MW điện mặt trời, khoảng 500MW điện gió và 325MW công suất điện sinh khối. Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đạt của hệ thống điện.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, lĩnh vực năng lượng đã có sự chuyển đổi sang theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, việc thiết lập thị trường phát điện canh tranh và vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019 từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn năng lượng. Đầu tư phát triển năng lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước đã huy động được nguồn vốn lớn; hạ tầng năng lượng ngày càng được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tuy nhiên, do quy mô kinh tế gia tăng, nguồn bảo đảm từ nội địa tăng không tương ứng nên Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015. Tỷ lệ nhập khẩu năng lượng sơ cấp trong tổng cung cấp năng lượng đã tăng từ 8,4% năm 2015 lên 48% năm 2020.

Việc triển khai các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 61 của Quốc hội ban hành năm 2022, nhưng đến 20/9/2023 mới có 13/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt, trong khi đó còn chờ ban hành kế hoạch thực hiện, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án năng lượng tại địa phương, làm cho việc đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia thêm khó khăn. Thực tế mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Theo Quy hoạch điện VIII, chúng ta đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050. Với năng lực cung cấp nội địa, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.

Điều đáng chú ý là, để đạt được mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá. Theo tính toán, để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của năng lượng phải gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Để hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra tại Đại hội XIII, năm 2025 phải phấn đấu mức tăng trưởng tối thiểu 9%. Và để đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2030 và tầm nhìn 2045, đòi hỏi mức tăng trưởng bình quân năm phải đạt 2 con số. Đây là kịch bản tăng trưởng cao, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Với mức tăng trưởng đó, nhu cầu năng lượng sẽ lớn hơn nhiều lần so với các dự báo theo kịch bản tăng trưởng khoảng 7%, và là một thách thức lớn liên quan trực tiếp tới an ninh kinh tế nước nhà trong kỷ nguyên tăng trưởng mới.

3. Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng

Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, có tính đột biến gắn liền với kịch bản tăng trưởng cao, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ gắn với các giải pháp đột phá. Về hệ thống các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng thời gian tới, cầnn tập trung vào các hướng cụ thể sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Với mô hình kinh tế mới sẽ giảm hao phí năng lượng, giảm áp lực tương đối về gia tăng nhu cầu năng lượng.

Thứ hai, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng. Theo kết quả khảo sát tại Việt Nam, tiêu thụ điện trong các hộ gia đình khoảng 35-40% tổng tiêu dùng điện của quốc gia. Trung bình mỗi người dân thành thị chi khoảng 6 đến 8 triệu đồng mỗi năm (300USD - 400USD) cho tiêu thụ năng lượng. Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng, nếu tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn Led thì chúng ta sẽ tiết kiệm tương đương với việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW. Hay việc sử dụng nhiệt độ thấp (18-22 độ C) từ máy điều hòa nhiệt độ, không chỉ chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời, ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn gây lãng phí tài nguyên năng lượng điện. Hơn nữa theo Báo cáo của EVN cho thấy, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Trong bối cảnh này, hành động tiết kiệm điện năng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Bởi lẽ, khi chúng ta sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả, chúng ta giúp giảm nhu cầu sản xuất năng lượng, giảm áp lực lên hệ thống cung cấp năng lượng.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tăng cường công tác khảo sát thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng để nâng cao tiềm năng và trữ năng lượng là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài. nguồn năng lượng chính tại Việt Nam vẫn là năng lượng hóa thạch như than đá và dầu mỏ, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và sinh khối đang được đẩy mạnh phát triển và sử dụng, đóng góp khoảng 15,4% (2022) tổng sản lượng điện. Việc sử dụng năng lượng sạch và bền vững đang trở thành xu hướng phát triển mới tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó tăng cường an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng thông qua Quy hoạch điện VIII. Với quan điểm phát triển năng lượng bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng; Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa loại hình năng lượng theo lộ trình và các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra các giải pháp về phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, từng bước hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Thứ năm, mở rông quan hệ, bảo đảm nguồn cung. Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các nước hiện nay là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao năng lượng. Các nước lớn, các nền kinh tế lớn và các khối nước đang đẩy mạnh triển khai chính sách ngoại giao năng lượng tích cực. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU tăng cường các hoạt động đối ngoại hướng tới các nước, các khu vực dồi dào về dầu mỏ và nguyên liệu cho điện hạt nhân. Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, kết hợp với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài một cách hợp lý, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở, thực hiện liên kết hiệu quả trong khu vực và toàn cầu, gắn với giữ vững an ninh quốc gia và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đối với những nguồn năng lượng chúng ta không có ưu thế, giá cả cao hơn so với nhập khẩu của các quốc gia khác, chúng ta nên nhập khẩu, chẳng hạn như than sản xuất điện hay điện năng, đảm bảo cán cân xuất nhập khẩu năng lượng cân bằng là tốt nhất, tiến tới xuất lớn hơn nhập.

Về các đột phá:

Thứ nhất, triển khai phát triển điện hạt nhân. Đây là giải pháp mang tính đột phá. Trong khi các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, các nguồn năng lượng tái tạo chưa thể phát triển nhanh, việc phát triển điện hạt nhân là giải pháp cứu cánh đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng đột biến. Xu thế hiện nay của nhiều nước là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện. Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới. Hiện nay điện hạt nhân đang cung cấp hơn 10% điện năng trên thế giới, chiếm khoảng một phần ba lượng điện các-bon thấp toàn cầu. Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống để sản xuất điện trong nhiều năm qua đang phải đối mặt với những cảnh báo về sự cạn kiệt tài nguyên và đặt ra những yêu cầu mới về loại hình năng lượng thay thế. Yêu cầu về nghiên cứu phát triển điện hạt nhân không phải vấn đề mới mà đã liên tục được đề cập suốt thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ngày một gia tăng. Công nghệ điện hạt nhân tiên tiến hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn theo các tiêu chí hiện hành để Việt Nam cân nhắc sử dụng như nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường năng lượng. Đây chính là một trong những giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Để triển khai giải pháp này cần hoàn thiện thể chế, tạo khung phổ pháp lý, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Chính sách giá năng lượng được coi là một trong những chính sách đột phá; nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong cả sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Giá năng lượng cần được xác định phù hợp với cơ chế thị trường; Nhà nước điều tiết giá năng lượng thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác. Đưa giá cả năng lượng về mức phản ánh đúng giá trị đầu vào còn nhằm mục tiêu hỗ trợ các giải pháp về đa dạng hoá đầu tư năng lượng, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sản xuất, cung cấp năng lượng.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Viện Năng lượng (2023). Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

3. Asian Development Bank, ADB (2014). Mitigation potential in the energy and transport sectors.

4. Nguồn tài nguyên năng lượng Việt Nam và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế,  https://nangluongvietnam.vn/, ngày 12/11/2024.

5. Bộ Công Thương (2023), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 6. Lê Ngọc Phương Trầm: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành Năng lượng Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023.

PGS.TS. Vũ Văn Hà, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực