Hướng tới phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 13:19
(ĐCSVN) - Việc phát triển thị trường năng lượng bền vững chính là một trong những mắt xích quan trọng. Có thể kể đến một số mô hình năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần vào quá trình phát triển năng lượng bền vững của nước ta hiện nay.
 Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. (Ảnh: baohaiphong.com.vn).

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là một Nghị quyết quan trọng trong triển khai cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Là một nền kinh tế đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Đây là cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, thể hiện định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp và bền vững.

Để thực hiện được các cam kết và mục tiêu quan trọng đó, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được đề cập và nhấn mạnh trong các chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, cụ thể như sau:

Về phát triển kinh tế xanh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Về phát triển kinh tế tuần hoàn, đang là một xu hướng mạnh mẽ bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Cùng với đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh về hoạt động kinh tế tuần hoàn cũng được ban hành, tiêu biểu như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có lộ trình mua, bán và chuyển giao tín chỉ các-bon, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam...

Trong quá trình thực hiện các chủ trương đó, việc phát triển thị trường năng lượng bền vững chính là một trong những mắt xích quan trọng. Quá trình tác nghiệp báo chí của tôi đã đưa tôi gặp gỡ, tiếp xúc và phát hiện ra các mô hình năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần vào quá trình phát triển năng lượng bền vững của nước ta hiện nay. Trong tham luận này, cá nhân tôi xin đề cập tới một số mô hình cụ thể mà tôi đã trực tiếp thăm quan, khảo sát, tác nghiệp, gồm có:

An Phát Holdings (Hải Dương)

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, hiện nay, An Phát Holdings là Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Với nhiều Công ty thành viên trong chuỗi giá trị xanh ngành nhựa, An Phát Holdings đã khẳng định được thương hiệu, uy tín và vị trí của mình để đưa sản phẩm ra thị trường ngoài nước như: châu Âu, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Philippines…

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị hoàn toàn tự tin với năng lực và vị thế cạnh tranh của mình để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với những dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực chủ lực là sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco và nguyên liệu phân hủy sinh học, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp… Thông qua nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới; An Phát Holdings luôn mong muốn đem lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng và cổ đông, người lao động của mình.

Tại nhà máy trong Cụm Công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương, khuôn viên và quy trình sản xuất của An Phát Holdings đã tiệm cận tới các tiêu chí công nghiệp xanh và là điển hình của khu vực tư nhân trong đầu tư theo phát triển KCN sinh thái. Cùng với xu thế phát triển xanh và bền vững đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, An Phát Holdings cũng coi phát triển xanh là kim chỉ nam trong kế hoạch phát triển trung, dài hạn. Theo đó, đơn vị này đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm và nguyên vật liệu nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, các bao bì màng mỏng thân thiện môi trường, bao bì nhựa sinh học phân hủy, các sản phẩm nhựa…  Đáng chú ý, Tập đoàn này còn hướng tới đầu tư KCN theo tiêu chuẩn ESG, đóng góp thiết thực vào quá trình hiện thực hóa cam kết “net Zero” của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền đi tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp sinh thái, tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần; 81,4 kWh điện được tạo ra từ Dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành Nam Cầu Kiền; 25% lượng nước thải trong Khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch.

Hiện, Công ty CP Shinec đang hợp tác với Tập đoàn NX filtration để nghiên cứu triển khai Dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp bằng công nghệ màng lọc Nano sợi rỗng. Nước được thu hồi sau khi lọc sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp trong Khu công nghiệp. Đây là hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống tuần hoàn nước thải của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, hướng đến việc “zero” phát thải vào năm 2030.

Được biết, kể từ năm 2008 đến nay, trong 16 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, KCN Nam Cầu Kiền luôn chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, phát triển các hoạt động dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, trở thành đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Để bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, KCN Nam Cầu Kiền Shinec đã đi đầu trong việc xây dựng mô hình KCN sinh thái. Với tư duy đầu tư sinh thái ngay từ những ngày đầu thành lập cùng định hướng vững vàng trên từng chặng đường phát triển, cho đến nay, Nam Cầu Kiền đã cơ bản thành các tiêu chí của một KCN sinh thái do chính người Việt đầu tư. Sự khác biệt trong tư duy quản lý đã giúp mô hình KCN của Nam Cầu Kiền tối ưu hóa trên nhiều phương diện, từ đó trở thành một mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp với thời đại, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của Chính phủ. Năm 2020 vừa qua, Nam Cầu Kiền đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế cộng sinh và nền tảng dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng các doanh nghiệp tạo ra một hệ sinh thái bền vững, điều này đã giúp cho Nam Cầu Kiền trở thành một điểm sáng trong đầu tư tại Việt Nam cũng như thu hút được nguồn lực kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

Công ty đang hoàn thiện và phát triển bộ tiêu chuẩn NCK theo các tiêu chí được xây dựng trong đề án nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng áp dụng/ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn Khu công nghiệp Việt Nam: Nghiên cứu triển khai điển hình tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền”. Bên cạnh các tiêu chí trong Nghị định 35/NĐ-CP về các tiêu chí của một KCNST thì bộ tiêu chuẩn NCK được xác lập dựa trên cơ sở kết hợp kinh tế tuần hoàn để trở thành bộ tiêu chuẩn cốt lõi khi xây dựng và hình thành các dự án Khu công nghiệp khác của Công ty. Một mô hình KCN NCK đã được chứng minh thực tiễn thành công tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền từ đó phát triển thương hiệu NCK là một mô hình Khu công nghiệp Kinh tế tuần hoàn và dùng để áp dụng cho các dự án đầu tư mới. Nam Cầu Kiền cũng được biết đến là KCN đạt các kỷ lục Việt Nam về: công trình Nhà máy xử lý nước thải trong khuôn viên KCN thiết kế theo mô hình vườn Nhật đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kỷ vật - Khu lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên KCN đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kyo-sei-no-niwa - Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên KCN.

Khu công nghiệp DEEP C (Đình Vũ, Hải Phòng)

Ngày 03/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tới năm 2025, theo đó khu công nghiệp Đình Vũ là một trong các khu công nghiệp được quy hoạch nằm trong phân khu thuế quan của khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Chính nhờ việc được quy hoạch nằm trong ranh giới khu kinh tế đã giúp cho khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C I Hải Phòng) được hưởng các chính sách ưu đãi thuế tốt nhất giúp thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.

Về tính chất, KCN Deep C được quy hoạch là khu công nghiệp tập trung đa ngành, trong đó chủ yếu tập trung thu hút dự án đầu tư ở các lĩnh vực Linh kiện ngành năng lượng tái tạo; Sản xuất ô tô và phụ tùng; Công nghiệp hóa chất, hóa dầu; Công nghiệp nặng; Công nghiệp phu trợ; Kho bãi và các ngành dịch vụ logistic

Về vị trí liên kết vùng, Khu công nghiệp Deep C có vị trí kết nối trực tiếp với các cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu Lạch Huyện) và kết nối thuận tiện với nút ra cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông của cả đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Khu hóa dầu và cảng hàng lỏng: một trong những nét đặc trưng của KCN Deep C là khu đất hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho ngành hóa dầu và cảng hàng lỏng. Với lợi thế gần đường bờ biển, khu công nghiệp Deep C là khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất hiện nay được xây dựng hệ thống cảng hàng lỏng có công suất lên tới 30.000 DWT nhằm phục vụ cho các dự án hóa chất, hóa dầu hoặc các dự án có nhu cầu sử dụng lượng nhiên liệu và có nhu cầu chung chuyển lớn.

Hệ thống cấp điện: nguồn cấp điện phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Deep C được lấy từ lưới điện quốc gia thông qua 02 hệ thống trạm biến áp độc lập là Trạm biến áp 110/22kV Đình Vũ được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp với công suất 2*63 MVA và từ nguồn điện nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng - Đình Vũ

Hệ thống cấp nước: Khu công nghiệp Deep C được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch có công suất 63.000 m3/ngày đêm. Hệ thống xử lý nước sạch có khả năng khử khoáng cho phép khả năng cung cấp nước tinh khiết cho các nhà máy sản xuất có yêu cầu cao về tiêu chuẩn nguồn nước.

Hệ thống xử lý nước thải: Toàn bộ nước thải sản xuất trong KCN Đình Vũ được xử lý bởi hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp ra tới chuẩn A trước khi xả thải ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải có công suất lên đến 24.000 m3/ngày đêm với công nghệ xử lý hiện đại, nguồn nước sau khi được xử lý hoàn toàn thân thiện với môi trường và hệ sinh thái.

Hệ thống đường giao thông nội khu: Đường trục chính trong khu công nghiệp Deep C có chiều rộng 68m; các đường nhánh trong khu công nghiệp có chiều rộng 34m, trong đó chiều rộng lòng đường là 15 m (2 bên). Toàn bộ hệ thống đường giao thông trong khu công nghiệp đều được bố trí hệ thống chiếu sáng, cây xanh, dải phân cách và vỉa hè hai bên tạo sự đồng bộ.

Hệ thống phòng cháy, chữa cháy: đường ống cấp nước phòng cháy trong khu công nghiệp được bố trí theo dạng mạch vòng và được hạ ngầm, chạy dọng theo các tuyến đường giao thông trong khu công nghiệp với công suất cấp nước chữa cháy đạt tối đa 480 m3/giờ với áp lực từ 4-7 bar. Các họng nước chữa cháy được bố trí với bán kính phục vụ từ 120m-150m/mỗi trụ cùng với hệ thống máy bơm và đội ngũ nhân viên phòng cháy, chữa cháy túc trực 24/7 cho khả năng ứng phó kịp thời với mọi sự cố hỏa hoạn trong khu công nghiệp

Hệ thống thông tin liên lạc: Hệ thống cáp viễn thông và Internet được đi ngầm thông qua hệ thống cống cáp kỹ thuật và đấu nối tới từng lô đất trong khu công nghiệp theo nhu cầu sử dụng

Các tiện ích hạ tầng khác: Hệ thống camera giám sát và đội ngũ an ninh túc trực 24/7 tại văn phòng khu công nghiệp; Hệ thống thoát nước mưa độc lập với hệ thống xử lý nước thải; Cây xanh cảnh quan thường xuyên được chăm sóc, thay mới; Toàn bộ các lô đất được san lấp đảm bảo cao độ trước khi bàn giao cho nhà đầu tư.

Hiện nay, sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng đã cho thuê lấp đầy hơn 99% diện tích đất toàn khu công nghiệp với hơn 140 dự án đầu tư cùng với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 4 tỷ USD. Các dự án tiêu biểu đang hoạt động trong khu công nghiệp Deep C Hải Phòng có thể kể đến như Dự án sản xuất xăm lốp xe ô tô của Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản); Dự án sản xuất kính năng lượng mặt trời, kính nổi của Công ty TNHH FLAT Việt Nam (Hong Kong); Dự án sản xuất pin và ắc quy của Công ty TNHH POLARIUM Việt Nam (Thụy Điển) và hàng loạt các dự án kho vận và dịch vụ logistic như GIC, Nam Hải, Hoàng Thành, GLC, Tân Cảng... Riêng đối với khu hóa dầu, hiện nay, đã có hơn 30 nhà đầu tư đang hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, lưu trữ hóa chất đầu nhờn, LPG... có vai trò vừa là trạm nhiên liệu phục vụ cho các dự án trong chính khu công nghiệp, vừa là trạm chung chuyển nhiên liệu cho các khu vực lân cận.

Khu công nghiệp Deep C đã góp phần thay đổi diện mạo của Thành phố Hải Phòng nói chung và khu vực Cát Hải nói riêng về lĩnh vực công nghiệp khi là địa điểm đầu tư uy tín được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, bao gồm cả các thị trường khó tính nhất như Châu Âu và Nhật Bản lựa chọn khi đầu tư tại Việt Nam.

Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau

Nhà máy Đạm Cà Mau trực thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) có công suất: 800.000 tấn urê hạt đục/năm. Nguyên liệu: tiêu thụ khoảng 435 triệu m3 khí/năm (tính cho 8.000 giờ/năm) khí thiên nhiên từ lô PM3-CAA và mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam thông qua đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau. Tổng mức đầu tư: giá trị được duyệt là 900,2 triệu USD, giá trị quyết toán đã được phê duyệt là 13.944,7 tỷ đồng (khoảng 760 triệu USD).

Nhà máy đạm Cà Mau vận hành thương mại từ cuối tháng 4/2012, từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, Nhà máy luôn vận hành liên tục, ổn định tại 98%-103% công suất thiết kế, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng.

Trong khi đó, được thành lập từ năm 2011, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) tự hào là nhà sản xuất phân bón Urê hạt đục hàng đầu và duy nhất tại Việt Nam. Tính đến năm 2023, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Với định hướng và mục tiêu rõ ràng, thương hiệu Phân bón Cà Mau - Hạt ngọc Mùa vàng đã dần khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam và khu vực góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường phân bón và đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.

Phân bón Cà Mau (PVCFC) nhận chứng chỉ xuất khẩu phân bón hàng rời, đưa mặt hàng chủ lực là ure hạt đục vào thị trường Australia. Quá trình duyệt chứng chỉ nhập khẩu vào Australia bắt đầu từ cuối năm 2023 cho đến tháng 4/2024. PVCFC đã phối hợp cơ quan chức năng từ nước này để đánh giá từ khâu sản xuất đến luồng tuyến xếp hàng lên tàu biển. PVCFC đánh giá Australia là thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón nhưng lợi thế là họ sẵn sàng trả giá cao. Vì vậy, PVCFC từng bước cải thiện chất lượng ở mọi quy trình: vận chuyển, bốc xếp sau khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Chất lượng hàng hóa đảm bảo tối ưu nhờ với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới. Đến ngày 16/4, đơn vị chính thức được xác nhận thông qua quy trình đánh giá. Hiện, Phân bón Cà Mau là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành của Việt Nam được cấp chứng chỉ trên.

Điểm sáng của PVCFC là chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy doanh thu. Sản lượng xuất khẩu đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ. Giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%. Đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới.

Với định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững với ba chiến lược trụ cột gồm: đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số, PVCFC nhận định đa dạng sản phẩm - nguyên nhiên liệu, kết nối đầu tư và mở rộng thị trường là con đường phát triển bền chắc trong tình hình kinh doanh mới. Song song, công ty nỗ lực toàn diện các mặt: quản trị, chiến lược, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, văn hóa doanh nghiệp và con người.

Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc, cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng đã góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; an ninh năng lượng quốc gia ngày càng được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển thị trường năng lượng còn thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, cơ chế, chính sách quản lý và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển năng lượng chậm được đổi mới, còn độc quyền trong kinh doanh năng lượng; cơ chế định giá điện mang nặng tính bao cấp; hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh sự phát triển ngành còn thiếu và chưa đồng bộ; đặc biệt về phát triển thị trường điện nói riêng và thị trường năng lượng nói chung mới bước dầu hình thành.

Việc triển khai một thị trường năng lượng cạnh tranh cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là bổ sung, hoàn thiện xây dựng chính sách, cơ chế định giá năng lượng (minh bạch, thiết lập và xác lập giá năng lượng trên cơ sở chi phí đầu vào và cạnh tranh thị trường) nhằm nâng cao hiệu quả ổn định nền kinh tế Việt Nam. Thiết nghĩ, để tạo dựng thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý và vận hành minh bạch, công khai, Nhà nước cần sử dụng sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng tới công tác hoạch định các chính sách phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng nói riêng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

2. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

3. Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

4. Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

5. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

6. Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020;

7. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;

8. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030;

9. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

10. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

11. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có lộ trình mua, bán và chuyển giao tín chỉ các-bon, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế;

12. Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 202-2030;

13. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;

14. Báo cáo hoạt động của An Phát Holdings, Nam Cầu Kiền, Deep C và Nhà máy Đạm Cà Mau trực thuộc Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau.

 

 

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực