Huyện Khánh Vĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội

Thứ hai, 15/05/2023 16:46
(ĐCSVN)- Huyện Khánh Vĩnh là một trong những huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân huyện, Mặt trận Tổ quốc và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực trong đầu năm 2023.
Trung tâm huyện Khánh Vĩnh - Khánh Hòa 

Khánh Vĩnh là huyện miền núi nên điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các mô hình sản xuất nông –lâm nghiệp theo hướng trang trại tổng hợp, trang trại chuyên sâu. Nhờ mô hình kinh tế trang trại đang phát triển nên huyện Khánh Vĩnh đã khai thác và phát huy thế mạnh đất đai, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn; từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sản xuất thâm canh hàng hóa từ nhỏ sang quy mô lớn; giảm thiểu tác động sinh thái môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân hướng đến nông thôn mới. Có thể khẳng định đầu tư và phát triển kinh tế trang trại nhất là phát triển chăn nuôi, trồng trọt đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn miền núi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nông lâm nghiệp. Trong thời gian đến, đồng thời với việc phát triển mô hình kinh tế chủ lực theo Nghị quyết 09/BCT là xây dựng tiểu đô thị sinh thái núi rừng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc… huyện Khánh Vĩnh chú trọng triển khai các biện pháp phát triển kinh tế trang trại nhằm phát huy mô hình kinh tế nông–lâm trên địa bàn.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Khánh Vĩnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 13 xã, phấn đấu đến cuối năm 2023, duy trì giữ vững 01/13 xã (Sông Cầu) đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại chưa đạt chuẩn đạt từ 11 tiêu chí trở lên và số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung của toàn huyện 13,23 tiêu chí/xã. Tổng kinh phí thực hiện năm 2023 cho chương trình là 12.4 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách cấp tỉnh là 6.6 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 545 triệu đồng và vốn ngân sách cấp xã là 5.1 tỷ đồng cho 11 công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất. Dự kiến trong quý II năm 2023 thực hiện giải ngân nguồn vốn và đến quý III năm 2023 sẽ hoàn thành việc đầu tư và giải ngân đạt 100% nguồn vốn còn lại.

Về giải ngân nguồn vốn đầu tư, đến đầu quý II năm 2023, tổng số giải ngân kế hoạch nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của huyện Khánh Vĩnh là 24,628/152,049 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch vốn giao. Trong đó: vốn phân cấp cho huyện quản lý giải ngân: 21,381/68,396 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch vốn giao gồm vốn XDCB tập trung giải ngân: 20,295/55,596 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch vốn giao, vốn CQSD đất giải ngân: 1,086/12,8 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch vốn giao.

Bên cạnh những bước tiến trong phát triển kinh tế, huyện Khánh Vĩnh cũng rất chú trọng nâng cao hiệu suất trong công tác phát triển văn hóa-xã hội. Trong năm 2023, đơn vị đặt mục tiêu, phấn đấu mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều  8,06%  tương đương với giảm 867 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo đầu năm 2023 là 4.211 hộ xuống còn 3.344 hộ vào cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,48%/năm tương đương với giảm 50 hộ cận nghèo và tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 13 xã,  phấn đấu đến cuối năm 2023, duy trì giữ vững 01/13 xã (Sông Cầu) đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung của toàn huyện 13,23 tiêu chí/xã. Ngoài ra, đơn vị đã triển khai thực hiện Dự án 8 nhằm Nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022–2025. Đồng thời, việc xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật luôn là nội dung quan trọng được Đảng ta quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết mang tính chất bản lề, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật. Trải qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đời sống văn hóa tinh thần nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều sự khởi sắc. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật được nâng lên. Các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Phong trào văn nghệ quần chúng được khuyến khích phát triển, chú trọng khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Raglai, Ê đê, Tày, Nùng… Nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc như đàn đá, cồng, chiêng, đàn chapi, đinh năm… được gìn giữ và bảo lưu. 

Để tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, trong tương lai, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực thu hút và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào huyện; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, đất đai. Đồng thời, công tác xây dựng nông thôn mới luôn đi đôi với nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; giải quyết nhanh các khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững quốc phòng, an ninh; quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực