Kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi

Thứ bảy, 25/11/2023 21:33
(ĐCSVN) - Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đang tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các Công ty Thủy lợi tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ở các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Được biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có các sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu và sông Cà Lồ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho thành phố trong mùa mưa lũ, Hà Nội có một hệ thống đê dài hơn 626km được đầu tư xây dựng dọc theo các con sông, đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 209/579 phường, xã, thị trấn.

Cùng với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội sôi động tại các vùng ven đê, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai thời gian qua diễn biến phức tạp, trong đó: Nhiều công trình, nhà ở, cây trồng, rào dậu nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều; các hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi nhiều nơi không đúng quy định; xe quá tải trọng đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...

Trước thực trạng trên, để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi; xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đang tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi: Sông Đáy, Sông Nhuệ, Hà Nội và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích mở đợt tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực bãi sông, bãi nổi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài đã được các cơ quan báo chí phản ánh, Bộ NN&PTNT cũng như UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo (đặc biệt là tình trạng xây dựng nhà kho, nhà xưởng với quy mô lớn ở khu vực bãi sông thuộc địa bàn các quận, huyện: Thường Tín, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoài Đức…; các vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi như: Vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi; đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, điển hình trên địa bàn các huyện như: Thường Tín, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Chương Mỹ…), làm mất không gian thoát lũ, chứa lũ, gây cản trở dòng chảy, thu hẹp lòng dẫn công trình thủy lợi, mất an toàn công trình thủy lợi, công trình đê điều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cũng như nguy cơ thiệt hại về người và tài sản khi có lũ trên sông là rất cao.

Kè Minh Quang, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội (Ảnh: Minh họa) 

Chi cục cùng các đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng đặc biệt là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân các phường, xã và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi, đê điều, trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai, thủy lợi, đê điều tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm công trình vi phạm, khôi phục, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Cùng với đó, lập kế hoạch chi tiết, cụ thể xử lý, dứt điểm các công trình vi phạm tồn đọng theo quy định; kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về đất đai xử lý đối với các trường hợp xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 04/7/2023; xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm, có biện pháp quản lý chặt chẽ đất bãi sông, bãi nổi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, đồng thời có biện pháp không để phát sinh các vụ việc vi phạm mới.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã, các Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi: Sông Đáy, Sông Nhuệ, Hà Nội và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch, trật tự xây dựng, thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, thủy lợi, đê điều; thực hiện các thỏa thuận chuyên ngành, cấp giấy phép hoạt động xây dựng, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện, thị xã, các Công ty Thủy lợi nêu trên cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu của tập thể CB-CNV Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội; tin tưởng rằng công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn Thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt, qua đó góp phần đảm bảo tưới tiêu, cấp thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
 


CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực