Phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió, thủy điện, điện sinh khối trên địa bàn tỉnh Phú Yên - hướng đi cho ngành năng lượng xanh

Chủ nhật, 08/12/2024 10:19
(ĐCSVN) - Năng lượng điện đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống và phát triển kinh tế. Ngày nay, kinh tế xã hội ngày càng phát triển kéo theo việc sử dụng năng lượng điện ngày càng gia tăng, nếu chúng ta tập trung phát triển và sử dụng năng lượng điện truyền thống (điện được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên…) thì sẽ ngày càng làm gia tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, Việt Nam đã cam kết thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp bách nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự bền vững cho các thế hệ tương lai. Tỉnh Phú Yên với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm sáng trong việc phát triển năng lượng xanh.

1. Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Phú Yên:

Phú Yên là tỉnh Duyên hải của tiểu vùng Nam Trung Bộ thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo (Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối):

- Về thủy điện:

Phú Yên có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 13,5 tỷ m3/năm, trong đó lượng nước từ các tỉnh lân cận chảy vào khoảng 7,9 tỷ m3 và lượng nước sinh ra trong nội tỉnh khoảng 5,6 tỷ m3; trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên có 17 con sông với diện tích lưu vực từ 100 ~ 500 km2([1])....đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án thủy điện.

- Về gió, mặt trời:

Theo Quy hoạch Phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung bộ đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 5133/QĐ-BCT ngày 5/9/2012 và Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, năng lượng gió do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 9 năm 2022, tỉnh Phú Yên có tốc độ gió trung bình từ 5-7 m/s ở độ cao 60-100m; có số giờ nắng trung bình cao, khoảng 2.000 đến 2.500 giờ mỗi năm với cường độ bức xạ từ 4,5 - 5,5 kWh/m²/ngày... điều này mang lại tiềm năng lớn để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời.

- Về sinh khối:

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhà máy chế biến đường với tổng diện tích trồng mía gần 27.000 ha, tổng công xuất chế biến 15.700 tấn mía/ngày. Các sản phẩm bã mía của các Nhà máy này là nguồn sinh khối tiềm năng để phát triển các dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.

2. Thực trạng phát triển các dự án năng lượng tái tạo:

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 13 nhà máy điện (đều là các nhà máy điện năng lượng tái tạo) và nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 990,3MW, gồm:

- 06 nhà máy thủy điện với tổng công suất 391MW;

- 06 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 463,3MW

- 01 nhà máy điện sinh khối với công suất 30MW;

Ngoài ra, còn có 1.156 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 106MW)

Các dự án điện năng lượng tái tạo đi vào hoạt động đã góp phần giảm phát thải khí CO₂, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí; hàng năm cung cấp nguồn năng lượng sạch lên lưới điện Quốc gia khoảng 2.300 triệu kWh, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ…), giúp đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; tạo việc làm cho người lao động, giúp nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi; hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 650 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phát triển các dự án thủy điện góp phần cắt giảm lũ vào mùa mưa, hỗ trợ cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vào mùa khô; phát triển dự án điện sinh khối giúp giảm thiểu lượng chất thải nông nghiệp (bã mía); phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp tận dụng không gian mái nhà, chống nóng cho tòa nhà, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện…

3. Một số tồn tại, hạn chế:

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu và nguồn sinh khối như trình bày ở trên, có thể nói Phú Yên là một tỉnh được đánh giá có tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối). Tuy nhiên tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII[2], tỉnh Phú Yên được phân bổ công suất các dự án năng lượng này rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng (Điện gió trên bờ: 3 dự án tổng công suất 298MW, thủy điện: 3 dự án tổng công suất 36MW).

Phú Yên là một tỉnh giáp biển với chiều dài bờ biển hơn 189km, điều kiện gió ổn định, tốc độ gió trung bình trên 7m/s, thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn có nguồn sinh khối dồi dào. Tuy nhiên, trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tỉnh Phú Yên chưa được phân bổ các dự án điện gió ngoài khơi cũng như các dự án điện sinh khối.

Các dự án đường dây truyền tải theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Phú Yên chậm được triển khai, do đó ảnh hưởng đến khả năng giải tỏa công suất của các dự án nguồn điện.

Các dự án năng lượng mặt trời đã đưa vào hoạt động từ năm 2020 đến nay, thực tế đã có những tấm quang điện đã bị hư hỏng, thải bỏ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn về xử lý tấm quang điện đã hư hỏng do đó gây khó khăn trong công tác quản lý về môi trường.

4. Đề xuất, kiến nghị:

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xin có một số đề xuất, kiến nghị sau:

1. Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số: 1746/QĐ-TTg ngày 31/12/2023) đã xác định: Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm công nghiệp (công nghiệp luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng.... ). Triển khai Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Phú Yên đã tiến hành xúc tiến kêu gọi đầu tư. Hiện nay, đã có nhiều Nhà đầu tư đang tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án như: Nhà máy sản xuất thép, Nhà máy lọc dầu, Nhà máy sản xuất Hydro xanh,… Khi các dự án này đi vào hoạt động, nguồn điện cần cung cấp đủ cho các dự án là rất lớn, dự kiến khoảng 1.000MW. Nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung; kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét rà soát, cập nhật, bổ sung thêm công suất nguồn các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối) vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

2. Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VIII)[3] thì tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 600.000MW, đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa được phân bổ cho các tỉnh để triển khai phát triển dự án. Do đó, kính đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ phân bổ công suất nguồn các dự án điện gió ngoài khơi để các tỉnh phát huy hiệu quả nguồn năng lượng dồi dào này.

3. Việc phát triển các dự án nguồn điện cần phải đi kèm với việc phát triển các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất các nguồn điện. Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đường dây truyền tải theo Quy hoạch. Đối với tỉnh Phú Yên gồm các dự án[4]: Xây dựng mới đường dây 500kV Bình Định - Vân Phòng, Cải tạo đường dây 220kV Tuy Hòa- Quy Nhơn (thay dây dẫn hiện có bằng dây siêu nhiệt), Xây dựng mới đường dây 220kV Tuy Hòa- Phước An, Xây dựng mới đường dây 220kV sông Ba Hạ- Krông Buk. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giảm áp lực đầu tư cho ngành điện.

4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng… Vì vậy cần tăng cường nâng cao nhận thức của công đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, hướng tới bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành kinh tế sử dụng nhiều điện; tăng cường kiểm toán năng lượng; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ điện cao.

5. Để thuận lợi trong công tác quản lý môi trường đối với các dự án năng lượng tái tạo, kính đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn về xử lý chất thải đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đặc biệt là hướng dẫn xử lý các tấm quang điện bị hư hỏng hoặc sau khi hết hạn sử dụng.

Phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối là một hướng đi đúng đắn và cấp thiết cho tỉnh Phú Yên trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững. Việc tận dụng tối đa tiềm năng này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng cho thế hệ tương lai.



([1]) Báo cáo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 mục 3.1.5

[2] Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

[3] Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

[4] Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực