Rusvietpetro: Hình mẫu đầu tư ra nước ngoài

Thứ năm, 07/12/2023 14:46
(ĐCSVN) - Thực hiện chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang triển khai các dự án tại nhiều Quốc gia. Trong số các dự án thì dự án Liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft tại Công ty Liên doanh Rusvietpetro là một hình mẫu trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam nói chung và của ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Liên doanh - ngay tại Liên bang Nga, đồng chí Nguyễn Trí Dũng - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Liên doanh Rusvietpetro đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết bối cảnh ra đời của Liên doanh cách đây 15 năm?

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng: Liên bang Nga là một trong số các nước có tiềm năng dầu khí lớn nhất thế giới, có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng và đẩy mạnh đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ra nước ngoài nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành dầu khí và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Liên doanh Rusvietpetro 

Theo Thỏa thuận giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ký ngày 20/11/2006 trong dịp tham dự kỳ họp Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, hai bên đã nhất trí giao cho Petrovietnam và Công ty cổ phần mở Zarubezhneft (Zarubezhneft) trực tiếp cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam, Liên bang Nga và các nước thứ ba.

Thực hiện mục tiêu trên, ngày 11/9/2007 tại Moskva, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Petrovietnam và Zarubezhneft đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, qua đó Công ty Liên doanh Rusvietpetro đã được thành lập ngày 7/7/2008, trong đó Zarubezhneft tham gia 51%, Petrovietnam tham gia 49% và đã nhận được giấy phép sử dụng tài nguyên dưới lòng đất của 4 lô dầu khí tại Nhenhesky, Liên bang Nga. Trữ lượng thu hồi kỹ thuật (cấp A+B+C1+C2) của 13 mỏ thuộc 04 Lô hợp đồng là 104 triệu tấn.

Phóng viên: Trong suốt quá trình vận hành Công ty liên doanh và triển khai dự án, các đồng chí đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng: Những khó khăn khách quan phải kể đến đó là: Dự án nằm tại khu vực tự trị Nhenhesky, phía Tây Bắc thuộc vùng Cực Bắc của Liên bang Nga với khí hậu đặc biệt khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình mùa đông xuống dưới -25oC, đôi khi xuống đến -50oC và thường xuyên có bão tuyết với cường độ tuyết rơi rất dày có độ che phủ từ 1-3m. Mùa đông thường kéo dài từ 220-240 ngày trong năm, trời sáng trung bình từ 2-4 tiếng/ngày.

Mùa hè có nhiệt độ dao động trong khoảng trên dưới 10oC, trời sáng lên tới 22 tiếng/ngày, tuy nhiên khi đó dự án lại bị tách biệt với các vùng lân cận bởi địa hình phủ kín là các đầm lầy, không có đường bộ đi tới. Công tác vận chuyển thiết bị tới khu vực mỏ chỉ thực hiện được trong 3 tháng mùa đông bằng đường mùa đông (đường đóng băng) tự xây dựng, thời gian còn lại chỉ có thể vận chuyển bằng máy bay trực thăng.

 Dự án nằm tại khu vực tự trị Nhenhesky, phía Tây Bắc thuộc vùng Cực Bắc của Liên bang Nga với khí hậu đặc biệt khắc nghiệt

Trong 13 mỏ của Rusvietpetro, ngoài 2 mỏ chính Bắc Khoseđaiu và Tây Khoseđaiu có trữ lượng tương đối lớn còn lại đều là các mỏ nhỏ (mỏ cận biên), phân bố rải rác nằm cách xa nhau và cách xa 2 mỏ chính từ 18km đến 50km.

Về chủ quan: Lực lượng lao động quốc tế Việt - Nga giai đoạn đầu chủ yếu được trưởng thành từ Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) với môi trường điều hành các dự án dầu khí ngoài khơi phải làm quen ngay với môi trường điều hành dự án tại vùng đầm lầy và băng giá Bắc cực, đặc biệt đối với người lao động là người Việt Nam, việc làm quen với môi trường thời tiết khắc nghiệt trong điều kiện xa gia đình và xa Tổ quốc cũng là một thách thức lớn.

Mặc dù có những khó khăn không nhỏ như đã nói ở trên, tuy nhiên, sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo sát sao từ Chính phủ 2 nước, sự hỗ trợ đồng hành của các bộ, ngành trung ương, sự quan tâm thường xuyên và liên tục của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Zarubezhneft, và đặc biệt là sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, kỹ sư, chuyên gia tập thể lao động quốc tế Việt - Nga tại Liên doanh Rusvietpetro là những thuận lợi lớn để Rusvietpetro trưởng thành và có hiệu quả tốt như ngày hôm nay.

Phóng viên:15 năm là một chặng đường không dài, nhưng bằng ý chí của “Những người đi tìm lửa” công ty liên doanh đã gặt hái được những thành công và bài học kinh nghiệm, được đánh giá cao về nhiều mặt bởi các đồng chí lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp, xin đồng chí nói rõ hơn những thắng lợi và thành công của Rusvietpetro nói chung và phía Việt Nam nói riêng?

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng: Để cảm nhận một cách chân thực nhất về sự thành công của Rusvietpetro sau 15 năm thành lập chúng ta có thể nhìn vào các dấu mốc và các con số cụ thể sau:

Được thành lập từ cuối năm 2008, đến năm 2010 (chỉ sau hơn 1 năm) đã cho dòng dầu thương mại đầu tiên - đây là một kỷ lục chưa công ty dầu khí nào tại Liên bang Nga thực hiện được. Chỉ sau hơn 3 năm Rusvietpetro đã khai thác ở mức sản lượng đỉnh trên 3 triệu tấn năm và luôn ổn định kéo dài đến hiện nay, đồng thời dự kiến sẽ giữ được mức sản lượng đỉnh này đến năm 2028. Đây thực sự cũng là kỷ lục của một công ty khai thác dầu khí.

Tới nay, Rusvietpetro đã khai thác được hơn 37 triệu tấn dầu thô, với đơn giá khai thác 1 thùng dầu chỉ khoảng 3 đôla Mỹ và giá dầu hòa vốn khoảng 25 đôla Mỹ/thùng.

Rusvietpetro thực sự hoạt động an toàn, hiệu quả và không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự thay đổi bất thường của giá dầu trong suốt quá trình hoạt động. Kết quả là Rusvietpetro đã mang lại cho hai phía tham gia khoản lợi nhuận trên 3 tỷ đôla Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thăm trụ sở Liên doanh dầu khí Nga - Việt (Rusvietpetro). 

Với riêng Petrovietnam, tập đoàn đã chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư vào Rusvietpetro 533 triệu đôla Mỹ, tính đến nay, lợi nhuận đã chuyển về nước xấp xỉ 1,4 tỷ đôla Mỹ. Điều này đã chứng minh đây là dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả nhất của Petrovietnam.

Điều thành công nhất của Petrovietnam là thông qua dự án đã đào tạo được đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ chuyên môn dầu khí và quản lý dự án ngang tầm quốc tế.

Tuy chỉ có 28 cán bộ nhân viên Việt Nam trên tổng số gần 1.000 cán bộ nhân viên của Rusvietpetro, nhưng đội ngũ cán bộ người Việt Nam luôn thể hiện được trình độ và tính chuyên nghiệp của mình bằng việc trực tiếp chủ trì và tham gia vào hầu hết các công tác quan trọng nhất của Rusvietpetro, đồng thời luôn thể hiện tinh thần đoàn kết hợp tác cùng phát triển với các bạn Nga.

Phóng viên: Có thể khẳng định, dự án đã thành công trên mọi phương diện cả về chính trị, kinh tế v.v... Xin đồng chí cho biết tương lai của dự án trong những năm tới đây?

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng: Những thành công của Rusvietpetro trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, đặc biệt sự thành công của công tác thăm dò thẩm lượng và công tác quản trị Công ty trong thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn cho Rusvietpetro, đó là:

Có khả năng gia tăng trữ lượng, từ đó giữ sản lượng khai thác dầu đỉnh ở mức trên 3 triệu tấn đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2032;

Có khả năng mở rộng vùng hoạt động ra các khu vực lân cận để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có mang lại hiệu quả cao cho hai phía tham gia;

Và điều quan trong nhất là có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để có thể xây dựng chiến lược phát triển hợp tác đến năm 2045 hoặc 2050.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Tiến Phú - Nguyễn Hoàng - Thùy Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực