Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước

Thứ ba, 05/03/2024 16:30
(ĐCSVN) - Với tổng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 5/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Ông Đào Quang Trường - Tổng Giám đốc VDB phát biểu tại Hội nghị.  

 Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2006. Trải qua hơn 17 năm hình thành và phát triển, VDB đã thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò là định chế tài chính nhà nước, là công cụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần đáng kể trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ. Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, ngành điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông…).

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Đào Quang Trường, Tổng Giám đốc VDB nhấn mạnh: “Các dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền cần ưu tiên theo đúng chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ qua từng thời kỳ”.

Cùng với đó, VDB cũng dành lượng vốn đáng kể cho vay các dự án thuộc các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng miền của các địa phương như xây mới, mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh cho 18 bệnh viện công; kiên cố hoá hệ thống kênh mương, tôn nền vượt lũ, giao thông nông thôn... trong cả nước, qua đó góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng, phát triển nông thôn mới, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị - xã hội nhất là tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Không chỉ tập trung vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư cũng dành hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài, góp phần khẳng định sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, đồng thời bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Chia sẻ tại Hội nghị về hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH Ngô Minh Hải cho biết: Tập đoàn TH triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao tại Nghĩa Đàn, Nghệ An từ tháng 10/2009. Từ năm 2011, dự án được tiếp cận nguồn vốn của VDB xây dựng Nhà máy Sữa tươi sạch TH - mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất khép kín trong tổng thể dự án. Năm 2014, TH tiếp tục nhận được nguồn vốn cho vay lại từ khoản vay của Chính phủ Israel dành cho Tập đoàn TH được VDB giải ngân.

“Nguồn vốn này đã tiếp sức để thương hiệu TH true milk tạo ra bước nhảy vọt để khẳng định chỗ đứng trên thị trường là một thương hiệu hàng đầu được người tiêu dùng yêu mến và tin tưởng lựa chọn. Đồng thời, nguồn vốn cũng đã tiếp sức cho những người lao động làm việc miệt mài nghiêm túc - dấn bước trên con đường chân chính và kiêu hãnh đối mặt trăm nghìn gian khó, thử thách, để làm nên dấu ấn rực rỡ của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa Việt Nam, làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch”, ông Ngô Minh Hải cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trường cũng thẳng thắn nhìn nhận: Những năm qua, VDB đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, nhân sự… làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả và hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Từ thực tế đó, ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho VDB, là bước tiến quan trọng để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

“Với cơ chế, chính sách về tín dụng của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, thông qua hội nghị này, VDB và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách tín dụng của Nhà nước chung tay thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo đảm an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết mà Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra”, ông Đào Quang Trường khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, VDB đã ký kết thoả thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với một số doanh nghiệp, đối tác tiêu biểu./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực