Năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp kéo dài, giá cả xăng dầu biến động không ngừng ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng dầu trong nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng; tình hình dịch COVID - 19 những tháng đầu năm 2022 vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn cho đến nay. Với trách nhiệm của Cơ quan thường trực của (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) BCĐ389/TTH, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác tham mưu giúp việc cho Trưởng ban điều hành, chỉ đạo hoạt động của Ban theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Cục đã tham mưu xây dựng Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã triển khai đạt hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND huyện, thị xã, thành phố Huế trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; các quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả; hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trong kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm,…
|
Kiểm tra cửa hàng kinh doanh điện thoại di động |
Bằng sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành cùng tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực, trong năm 2022, các lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác phối hợp, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389/TTH đã phát hiện 2.075 vụ, xử lý 1.746 vụ với số tiền 17.470,884 triệu đồng, tổng giá trị tang vật bị tịch thu là 9.713,735 triệu đồng. Trong đó: Trị giá tang vật đã bán là 2.786,562 triệu đồng; Trị giá tang vật chờ bán là 1.106,283 triệu đồng; Trị giá tang vật tiêu hủy 5.820,890 triệu đồng. Hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, sản phẩm tiêu hủy chủ yếu là hàng áo quần giả nhãn hiệu, đồ gia dụng, linh phụ kiện điện thoại, điện thoại, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em,.....
|
Tuyên truyền về An toàn thực phẩm cho tiểu thương tại chợ A Lưới
|
Qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo đúng quy định của pháp luật đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính.
Trong thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, hoạt động khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng diễn ra sôi động ở cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử kéo theo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/TTH, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2022, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Kế hoạch triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-QLTT ngày 12/5/2021 của Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 03/KH-QLTT ngày 24/01/2022 của Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022.
Bên cạnh đó, Cục đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật; Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt…nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm.
|
Kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu |
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Ban lãnh đạo Cục QLTT cùng tinh thần chủ động, quyết tâm nỗ lực không ngừng của cán bộ công chức trong toàn lực lượng cộng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tin tưởng rằng Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thành thắng lợi các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Qua đó góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa thông suốt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh./.