|
Các loại năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa |
Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu và cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực.
Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, theo đó yêu cầu “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng”.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề ra các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được trình Quốc hội và thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này. Đây là dự thảo luật nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện; thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng…
Xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về thị trường năng lượng cạnh tranh, phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết, khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng.
Đáng chú ý, trong những năm qua, nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước ngày càng cao. Để đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do khai thác và sử dụng năng lượng có nguy cơ tăng lên. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, với phương châm “năng lượng phải đi trước một bước”.
Việc có một chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững tương xứng và đồng hành cùng Chiến lược quốc gia về năng lượng là giải pháp mang tính căn cơ và cùng với các giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về phát triển năng lượng bền vững của nước ta, trong đó có thị trường năng lượng cạnh tranh. Đồng tình với các nhận định của các nhà quản lý và các phân tích của các chuyên gia, cá nhân tôi đang hoạt động trong ngành báo chí cho rằng, đáp ứng yêu cẩu của thời kỳ mới, hướng thông tin, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh theo cách thức truyền thông số, tận dụng các nền tảng truyền thông số, tăng cường tương tác, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về năng lượng bền vững.
Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tổ chức USAID phối hợp xây dựng triển khai một Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững đến năm 2030; trong đó, chiến lược và kế hoạch truyền thông về năng lượng bền vững sẽ cung cấp định hướng, khung hoạt động và lộ trình cho các hoạt động truyền thông và tiếp cận cộng đồng về các vấn đề liên quan đến năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt sẽ tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong truyền thông ở lĩnh vực này hiện nay gồm: Sự điều phối và phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các hoạt động truyền thông về năng lượng bền vững chưa cao; Sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan truyền thông báo chí còn chậm; Lượng tin, bài truyền thông chủ động từ các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp, hình thức truyền thông mang tính tuyên truyền, phổ biến chính sách, một chiều; Ít chương trình sáng tạo, lan tỏa mạnh; Truyền thông đa phương tiện chưa được đẩy mạnh; Thiếu tài liệu hướng dẫn có tính định hướng chung cho truyền thông về năng lượng bền vững...
Báo Nhân Dân với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, đã sớm xác định việc truyền thông về thị trường năng lượng cạnh tranh và năng lượng bền vững là một trong những nhiệm vụ nằm trong chiến lược truyền thông chính sách rộng khắp trong nhiều lĩnh vực của mình. Chúng tôi đã đăng tải rất nhiều bài báo về những quy định mới, những mô hình mới được áp dụng ở các địa phương về năng lượng cạnh tranh, bền vững, đặc biệt là đề tài liên quan đến tiết kiệm năng lượng.
Theo tính toán của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công Thương), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiềm năng tiết kiệm tại đây có thể đạt từ 20% đến 35%. Ngoài ra, các lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng có thể đạt trên 30%. Nghiên cứu về phát thải carbon thấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng.
Hiện nay, nền kinh tế trên đà phục hồi và phát triển kéo theo nhu cầu năng lượng, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh. Chúng ta đều biết rằng, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được đặt ra vô cùng cấp bách. Trong hành trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước, báo chí đóng vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
Nhờ những đề tài có chất lượng tốt liên quan đến tiết kiệm năng lượng và năng lượng bền vững, Báo Nhân Dân điện tử đã giành được một số giải thưởng báo chí liên quan đến lĩnh vực này. Chẳng hạn, năm 2021, chúng tôi đã đoạt giải A Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với tác phẩm “Để Việt Nam là nước đi đầu về tiết kiệm năng lượng”. Tiếp đó, năm 2023, Báo Nhân Dân giành giải Đặc biệt Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với tác phẩm "Quyết liệt triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng: Hiện thực hóa cam kết Net Zero" nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Đây là những loạt bài viết được chúng tôi đầu tư kỳ công trong việc tìm kiếm đề tài, đi tác nghiệp để viết và dựng tác phẩm e-Magazine.
Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Giải thưởng có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn có ý nghĩa thiết thực với hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của báo chí đối với đời sống xã hội.
Thực tế, những năm qua, với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có sức lan toả mạnh mẽ, giúp cộng đồng biến nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen. Minh chứng là thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo, phóng viên đã, đang và sẽ giúp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phát hiện những điển hình tiên tiến, những sáng kiến trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phản ánh được những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó giúp các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh những chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Có thể thấy, sự vào cuộc của các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đem lại kết quả cụ thể đối với từng đối tượng tiêu dùng năng lượng cũng như lợi ích chung cho đất nước. Đáng chú ý, nhiều người dân đã nâng cao ý thức sử dụng năng lượng.
Thiết nghĩ, để tăng cường vai trò báo chí trong tuyên truyền về thị trường năng lượng cạnh tranh, năng lượng bền vững, cơ quan quản lý cần chú trọng việc cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục cho báo chí. Cùng với đó, cần đồng bộ hoá nội dung và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền như: xây dựng kế hoạch, các chiến dịch và chương trình tuyên truyền theo cấp độ quy mô, đối tượng, thời gian và nội dung cụ thể cho mỗi cơ quan báo chí; có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục, dung lượng lớn, thường xuyên; đổi mới hình thức tuyên truyền đa dạng, thích hợp.
Quan trọng hơn cả, hình thức tuyên truyền cần đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các loại hình và thể loại tác phẩm báo chí. Sử dụng nhiều hơn nữa các thể loại báo chí hiện đại, áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí. Công tác tuyên truyền cần được cụ thể hóa bằng những nội dung chi tiết, gần gũi và sát thực hơn với người dân, doanh nghiệp, được chuyển tải một cách hóm hỉnh, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này còn cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững theo hướng có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn chặt với chiến lược về quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kỳ và từng thời điểm.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững. Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này.
Về phía báo Nhân Dân điện tử, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục định hướng truyền thông về thị trường năng lượng cạnh tranh, năng lượng bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình. Từ đó, sẽ lên những kế hoạch truyền thông hằng năm và hợp tác với các cơ quan quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai đề tài một cách chất lượng, hiệu quả, hấp dẫn, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân những quy định, chính sách liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
2. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024;
3. Quyết định số 2233/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 28/12/2020;
4. https://nhandan.vn/uu-tien-phat-trien-nang-luong-ben-vung-post786773.html;
5.https://nhandan.vn/nang-cao-tuyen-truyen-su-dung-hieu-qua-nang-luong-post769992.html;
6.https://nhandan.vn/day-manh-truyen-thong-ve-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-post815959.html.
7. https://special.nhandan.vn/nangluong_Vietnam/index.html
8. https://special.nhandan.vn/giaiphaptietkiemnangluong/index.html