Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tạo nên văn hóa BIDV

Thứ năm, 26/10/2023 09:15
(ĐCSVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm, yêu cầu về liêm, chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trên nhiều bình diện, ở nhiều tầng bậc, qua đó, thể hiện một trí tuệ uyên bác, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, phẩm chất đạo đức mẫu mực của một lãnh tụ kiệt xuất. Đối với BIDV, những chỉ dẫn đó của Người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị được giao.
Ban giám đốc BIDV - Chi nhánh Sở Giao dịch 1 - Ảnh: Hồng Vân 

Sinh thời, khi bàn về đức liêm, chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự kế thừa sâu sắc quan niệm đạo đức truyền thống của người phương Đông và phát triển  lên một tầm cao mới gắn với thời đại mới. Trên báo Cứu quốc, số ra 1255 ngày 30/05/1949 trong bài viết “Thế nào là Cần”, ký bút danh Lê Quyết Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người” (1). Người nhấn mạnh, cần - kiệm - liêm - chính có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời nhau; muốn có liêm, chính thì phải thực hành cần, kiệm; không rèn luyện cần, kiệm, sống buông thả, xa hoa thì ắt sẽ mất đi sự liêm, chính. Vậy nên, trong cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần, kiệm, liêm, chính” luôn làm thành một cụm từ cố định, nội hàm của liêm, chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã bao gồm cả đức cần, kiệm. Một người liêm, chính nhất thiết phải có sự cần cù, chịu khó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữ mình liêm khiết, trong sạch, đúng mực trong các mối quan hệ, luôn hướng tới sự đúng đắn trong mọi phương diện của đời sống.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cần, kiệm, liêm, chính đối với sự phát triển toàn diện con người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây cũng chính là cơ sở khoa học, cách mạng để Đảng ta vận dụng trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức vừa có tài, vượt qua mọi cám dỗ, khó khăn, để phục sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, nhất là sự liêm, chính của cán bộ, đảng viên, Đảng ta luôn đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; yêu cầu nghiêm túc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm, uy tín của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.

Trong các văn kiện về công tác cán bộ, về xây dựng Đảng đều nhấn mạnh đến tinh thần liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đảng ta đã ban hành các quy định như: Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/09/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”…

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống văn bản mang tính pháp quy, tạo môi trường, hành lang pháp lý chặt chẽ với những quy định nghiêm minh về trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ thì những năm qua, Chính phủ và nhiều bộ, ngành đã xây dựng và ban hành nhiều quy chế, đề án; tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, văn hóa công vụ; văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó thực thi và lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong hoạt động thực thi công vụ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đánh giá khái quát về quá trình thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm, trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân…”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng, phát huy văn hóa tinh thần liêm chính, tiết kiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều cán bộ vì chạy theo danh vị, tiền tài, vì lợi ích vật chất, nể nang né tránh, tham vọng cá nhân... đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị liêm chính, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp mà cá nhân từng hứa trước cơ quan, đơn vị; chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tập thể; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh cơ quan, tổ chức, làm phai nhạt niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Vì không giữ được liêm chính, một số cán bộ “nhúng chàm”, sa vào tham nhũng, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách nhằm câu kết, hình thành nhóm lợi ích để trục lợi. Vì không giữ được sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự…

Tập thể BIDV- Chi nhánh Sở Giao dịch 1 với tinh thần "Bền ý chí - Vững tiên phong". Ảnh: Hồng Vân

Có thể thấy rõ, trong nền hành chính công vụ, văn hóa liêm chính có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành và quản trị quốc gia; tạo môi trường khách quan, minh bạch, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm văn hóa liêm chính, tiết kiệm sẽ đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, những hành vi tiêu cực, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự tôn nghiêm của pháp luật. Khắc phục và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần tiết kiệm về thời gian, tiền bạc, công sức, tránh lãng phí, xa hoa. Đây sẽ là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những định hướng giáo dục về đức liêm, chính cũng như những cảnh báo về sự bất liêm, bất chính, tha hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, vẫn mang tính thời sự và đậm chất nhân văn. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế thị trường đang diễn ra sôi động với đầy rẫy những cám dỗ về vật chất, tiền bạc cũng như sự du nhập của không ít yếu tố văn hóa ngoại lai, trong đó có lối sống ưa hưởng thụ, ham muốn quyền lực, xa hoa, phô trương, hình thức... Trong bối cảnh đó, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên không thực sự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng, không thường xuyên thực hành liêm, chính thì dễ dẫn đến suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh mất sự trong sạch của hệ thống chính trị và làm suy giảm uy tín, năng lực, đạo đức, sức chiến đấu của bản thân cán bộ, đảng viên cũng như bản chất tốt đẹp của một chính đảng cách mạng tiên phong.

Luôn thấm nhuần và quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuân thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng đầu là đồng chí Phan Đức Tú - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa liêm chính trong hoạt động của ngành ngân hàng – một ngành đặc thù mà văn hóa liêm chính là yếu tố sống còn của ngành. Ngay từ những năm 2007-2008 khi tham gia xây dựng Bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử của BIDV, đồng chí Phan Đức Tú đã có nhiều đóng góp tâm huyết để hoàn thành hai bộ quy chuẩn và quy tắc để áp dụng trong toàn hệ thống BIDV. Đến cuối năm 2018 đầu năm 2019, nhận thấy có sự chưa phù hợp giữa Bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử với thực tiễn hoạt động của hệ thống và tiếp thu ý kiến của cán bộ nhân viên BIDV. Đồng chí đã chỉ đạo Ban điều hành BIDV xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu BIDV đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, đánh dấu bằng Nghị quyết số 22/NQ-BIDV ngày 11/01/2021, tiếp theo là Nghị quyết số 888/NQ-BIDV ngày 22/09/2022 với tuyên ngôn thương hiệu “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền” và xác định giá trị cốt lõi thương hiệu BIDV là: Trí tuệ - Niềm tin – Liêm chính – Chuyên nghiệp – Khát vọng.

Đi cùng với đó, sổ tay văn hóa BIDV được ban hành và Bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp được ban hành là sự kế thừa, chắt lọc, đúc kết những chuẩn mực, giá trị cốt lõi của BIDV. Văn hóa liêm chính của BIDV đó là: Người BIDV hiểu và coi trọng danh dự của bản thân, trách nhiệm với nghề nghiệp bằng việc luôn hành động trung thực, thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẽ phải và tuân theo chuẩn mực đạo đức; đấu tranh chống “cái sai”, bảo vệ “cái đúng”. Mỗi người luôn tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; minh bạch trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích; thẳng thắn, nghiêm túc với bản thân và với những người xung quanh.

Nhờ xây dựng và thực hành văn hóa BIDV, trong đó nội dung văn hóa liêm chính là yếu tố quan trọng, năm 2022, dù kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, NHNN, sự đồng hành gắn bó của đối tác, khách hàng, sự nỗ lực đồng lòng của tập thể cán bộ người lao động toàn hệ thống, BIDV đã hoàn thành toàn diện, đồng bộ, vượt trội các mục tiêu của Chiến lược phát triển tổng thể hệ thống đến 2025, định hướng đến 2030 và kế hoạch kinh doanh năm 2022 do Đại hội đồng cổ đông đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò là định chế tài chính hàng đầu đất nước.

Kết thúc năm 2022, BIDV là NHTM đầu tiên có tổng tài sản vượt mốc trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2021, tiếp tục giữ vững vị thế là NHTMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam. Huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,64 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%, chiếm khoảng 14% thị phần tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 12,1%, chiếm 12,87% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, tỷ trọng dư nợ bán lẻ đạt 43,4%, tăng 3,6% so với đầu năm, tỷ trọng dư nợ SME đạt 22%... Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,96%. Hiệu quả kinh doanh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước, đạt và vượt Kế hoạch năm 2022 đề ra: (i) Chênh lệch thu chi đạt 47.025 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.009 tỷ đồng, tăng trưởng 69,8%, hoàn thành vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao… BIDV cũng luôn là một trong những ngân hàng đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước với mức đóng góp trong năm đạt hơn 6.700 tỷ đồng.

Năm 2022, BIDV cũng đạt được nhiều bước tiến trong quản trị điều hành, phát triển thể chế, trong đó đã triển khai hoàn thiện cơ cấu, mô hình tổ chức phù hợp với mô hình kinh doanh ngân hàng hiện đại gắn với kiện toàn nhân sự các cấp, đặc biệt chú trọng tới công tác phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao cho hệ thống thông qua triển khai Chương trình phát triển Lãnh đạo BIDV tuổi 30, xây dựng Quy chế chức danh và phát triển nghề nghiệp. Kiên định bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược kinh doanh tổng thể giai đoạn 2021-2025 và 07 Chiến lược cấu phần thông qua rà soát thường xuyên, đánh giá kỹ lưỡng từ đó đề ra các giải pháp trọng tâm để đảm bảo triển khai đúng định hướng đã đề ra. Trong đó, BIDV theo đuổi chiến lược “ngân hàng xanh” và xác định là một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn tới.

Từ những kết quả tích cực đã đạt được, uy tín, thương hiệu BIDV tiếp tục được khẳng định; niềm tin của đối tác, khách hàng tiếp tục được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế: Moody’s nâng định hạng nhà phát hành và định hạng tiền gửi (nội tệ/ngoại tệ) của BIDV từ mức Ba3 lên mức Ba2; Giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2022” (The Asian Banker); Giải thưởng “Ngân hàng dành cho KHDN tốt nhất Đông Nam Á năm 2022” và “Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á năm 2022” (Global Banking and Finance); Giải thưởng “Ngân hàng phục vụ khách hàng FDI tốt nhất Việt Nam 2022” và “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối và phái sinh tốt nhất Việt Nam” (ABF Wholesale Banking Awards); Giải thưởng “Ngân hàng quản lý rủi ro sáng tạo nhất năm 2022” (International Business Magazine); Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín 2022 (Vietnam Report)…

Những cán bộ BIDV luôn chủ động - nhiệt huyết - sáng tạo. Ảnh: Hồng Vân 

Luôn bám sát các chỉ đạo của Hội sở chính BIDV, với vai trò là Bí thư Đảng ủy Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch 1, đồng chí Đoàn Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa trong quá trình vận hành và phát triển doanh nghiệp, ngay từ năm 2016, đồng hành cũng với quá trình xây dựng văn hóa BIDV, để cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội sở chính BIDV đồng thời phát huy những nét riêng vốn có của Chi nhánh Sở giao dịch 1, đồng chí Đoàn Việt Nam cùng với sự giúp sức của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã xây dựng Bộ 6 nguyên tắc văn hóa và 7 hành vi lãnh đạo:

Bộ 6 nguyên tắc văn hóa Sở giao dịch 1:

Một là, TRÁCH NHIỆM: Khi sự việc xảy ra, nguyên nhân đầu tiên chính là TÔI

Hai là, HƯỚNG KẾT QUẢ: Hãy nói chuyện với nhau bằng LƯỢNG HÓA

Ba là, SÁNG TẠO VÀ CHỦ ĐỘNG: Đừng nói KHÔNG, hãy cho tôi MỘT GIẢI PHÁP

Bốn là, CHÍNH TRỰC: Rất HÀI LÒNG hoặc GÓP Ý

Năm là, QUYẾT ĐOÁN VÀ DŨNG CẢM: Làm TỐT NHẤT hoặc KHÔNG LÀM

Sáu là, Mỗi chúng ta là một MẮT XÍCH, không SO SÁNH

Là một đơn vị kinh doanh, khi các nguyên tắc văn hóa đặt ra đầu tiên phải dẫn dắt để các cán bộ và toàn thể chi nhánh tự nguyện làm theo và để thực hiện được tốt nhất các mục tiêu về kế hoạch kinh doanh, hiệu quả hoạt động, các chỉ tiêu cần được thể hiện bằng các con số, các hoạt động phải được lượng hóa để đo lường, so sánh và đánh giá, xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên xuyên suốt Bộ 6 nguyên tắc văn hóa hình thành từ cái gốc là sự Liêm Chính: Các kết quả được lượng hóa và việc lượng hóa được công khai và tuyên truyền cho các phòng ban, bộ phận, các cán bộ hiểu rõ và có thể kiểm tra chéo nhau được, đảm bảo số liệu lượng hóa là chính xác, trung thực không có sự thiên vị bộ phận, phòng ban hay cá nhân nào. Trong các hoạt động đều được thực hiện công khai, minh bạch, chân thành, nhân vưn, tâm phục khẩu phục về cách giải quyết vấn đề hoặc góp ý để vấn đề được giải quyết tốt hơn.

Bộ 7 hành vi lãnh đạo Chi nhánh Sở giao dịch 1:

1. Làm việc phải có KPI, KẾ HOẠCH VÀ BÁO CÁO

2. QUAN TÂM – ĐỘNG VIÊN đúng lúc

3. Quan sát NĂNG LỰC VÀ ĐÀO TẠO ngay

4. Tạo MÔI TRƯỜNG làm việc hiệu quả và KẾT NỐI tốt

5. Cần biết “TÁN XƯƠNG”, đưa hướng dẫn – không làm thay

6. Là “NGƯỜI LỚN” trong mọi hành xử

7. Là Tác nhân THAY ĐỔI, TRUYỀN BÁ văn hóa tổ chức và mục tiêu chiến lược

Bộ 7 hành vi lãnh đạo đi thẳng vào đức chính – đức khó nhất trong tứ đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Hành vi lãnh đạo không chỉ áp dụng với các lãnh đạo cấp cao mà trọng tâm đi vào các lãnh đạo bậc trung, do lãnh đạo bậc trung là đội ngũ đông đảo đồng thời tác động nhiều nhất vào hoạt động thực thi kế hoạch của chi nhánh, toàn diện trên các mảng tác nghiệp. Không có việc xây dựng văn hóa nào nhanh bằng việc có các hình mẫu để các cán bộ noi gương. Đức Chính đòi hỏi các hành vi lãnh đạo được thực hiện thẳng thắn nghiêm túc với bản thân và người xung quanh. Là người lớn trong mọi hành xử: Biết quan tâm động viên, bình tĩnh xử lý, chân thành, trực diện, ngay lập tức, không tự ái khi nhận được lời góp ý.

Bộ 6 nguyên tắc văn hóa và 7 hành vi lãnh đạo đã cụ thể các nội dung của Sổ tay văn hóa BIDV, nâng cao khả năng xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính đối với từng cán bộ chi nhánh Sở giao dịch 1. Bộ nguyên tắc văn hóa và hành vi lãnh đạo không chỉ giúp cán bộ BIDV – Chi nhánh Sở giao dịch 1 tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tăng cường sự giám sát chéo giữa các bộ phận, giữa các phòng ban và tự trong từng phòng nghiệp vụ, tạo nên một đội ngũ cán bộ Liêm Chính – một sức mạnh mềm và sự hấp dẫn riêng có của BIDV – Chi nhánh Sở giao dịch 1. Từng cá nhân góp phần xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính làm nên một Chi nhánh liêm chính, một BIDV liêm chính tạo nên sức hấp dẫn của cả một tổ chức.

Các cán bộ BIDV – Chi nhánh Sở giao dịch 1 đều góp phần xây dựng Bộ 06 nguyên tắc văn hóa và 7 hành vi lãnh đạo do đó Bộ nguyên tắc rất gần gũi với những hoạt động thường ngày của các cán bộ, thêm vào đó là định hướng của Đảng ủy cơ sở, Sổ tay văn hóa của BIDV và sự chỉ đạo của Đồng chí Đoàn Việt Nam giúp cho Bộ 6 nguyên tắc văn hóa và 7 hành vi lãnh đạo vừa gần gũi, dễ thực hành vừa thấm nhuần tính đảng, góp phần xây dựng một thương hiệu Chi nhánh Sở giao dịch 1 với những bề dày thành tích trong những năm qua như: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2022 - Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2016 – Khen thưởng đột xuất đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2015, 2018… góp phần viết tiếp vào trang sử vàng của Chi nhánh trong những năm tới ngày càng to lớn hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng việc xây dựng và thực hành văn hóa Liêm Chính là hết sức cần thiết trong thời kỳ mới. Việc xây dựng và thực hành văn hóa Liêm Chính tạo nên nét đẹp của người cán bộ, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng./.

------------------

1,Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 117.

 

 

Cao Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp 1, Chi nhánh Sở giao dịch 1, BIDV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực