Trong năm 2019, công tác kiểm tra đảng sẽ tập trung kiểm tra,
giám sát một số vụ việc, địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: VL
Trả lời:
Công tác kiểm tra, giám sát có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự lãnh đạo và hoạt động của Đảng, cụ thể là:
1. Công tác kiểm tra là hoạt động có ý thức, là một tất yếu khách quan, cần thiết đối với mọi tổ chức và mọi người trong xã hội. Ý thức trách nhiệm càng cao càng phải coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra. Nhiệm vụ càng khó khăn, nặng nề, phức tạp càng đòi hỏi phải tăng cường mạnh mẽ công tác kiểm tra.
Điều lệ Đảng quy định: "Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng". Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.
"Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng" (Điều 30).
Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa X quy định (Quy định số 23-QĐ/TW ngày 31/10/2006): Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chi bộ, đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên; uỷ ban kiểm tra, các ban đảng, văn phòng cấp uỷ vừa phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới, vừa chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng; đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân. Tổ chức đảng cấp trên được quyền giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; đảng viên không được tự ý giám sát, chỉ được tham gia giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Bộ Chính trị khoá X chỉ rõ (Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24/11/2006): Giám sát của Đảng là việc các cấp uỷ, tổ chức đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
2. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, một khâu quan trọng trong việc tổ chức thực hiện; là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, không những kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, mà kiểm tra, giám sát chính cả bản thân đường lối, chính sách đó. Chính vì vậy, Đảng ta luôn nhấn mạnh: "Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo" và yêu cầu các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở phải "nắm chắc công tác kiểm tra, giám sát sử dụng kết quả kiểm tra vào việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết". Kiểm tra, giám sát là công việc của toàn Đảng và từng đảng viên, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của ủy ban kiểm tra.
Trong sự nghiệp đổi mới, càng phải coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thực hiện nghiêm túc các chế độ kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy đảng phải nắm chắc nhiệm vụ kiểm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát và lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các đoàn thể tự kiểm tra, bảo vệ luật pháp Nhà nước, giúp Nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Bên cạnh việc kiểm tra tư cách đảng viên, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, quy chế hoạt động của các tổ chức đảng, vấn đề rất quan trọng là kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, biểu dương những việc làm tốt, uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3. Đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng: Công tác kiểm tra, giám sát có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng.
Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm việc kiểm tra, giám sát chấp hành đường lối, chính sách và nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên. Thông qua kiểm tra, giám sát mà phát huy ưu điểm, phát hiện nhân tố mới, khắc phục khuyết điểm, bổ sung phát triển hoặc điều chỉnh chủ trương, chính sách, xử lý vi phạm.
Các tổ chức Đảng, trước hết là các cấp ủy đảng, Bộ Chính trị và các ban thường vụ cấp ủy, cần tự mình tiến hành kiểm tra và sử dụng các ban để tổ chức thường xuyên việc kiểm tra.
Công tác kiểm tra kỷ luật phải có chương trình, có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; phải kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân để có kết luận rõ ràng và có chủ trương xử lý đúng đắn, nhất là đối với những đảng viên vi phạm pháp luật.
Củng cố, kiện toàn bộ máy kiểm tra các cấp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm tra về đường lối, quan điểm, pháp luật, kinh tế, về nghiệp vụ và phong cách làm việc. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có phẩm chất chính trị tốt, công tâm, trong sạch, đủ năng lực, kể cả năng lực kiểm tra, giám sát việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng.
Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: "Hoàn thiện quy chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của tập thể đối với cá nhân, của tổ chức đối với tổ chức, của cá nhân đối với cá nhân và tổ chức, kể cả đối với người lãnh đạo chủ chốt và tổ chức cấp trên. Kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của nhân dân.
Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ.
Đổi mới phương pháp kiểm tra và bổ sung chức năng giám sát cho uỷ ban kiểm tra đảng các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa. Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban Kiểm tra của Đảng với Thanh tra của Chính phủ".
Nguồn: 101 câu hỏi và trả lời về công tác tổ chức, kiểm tra của Đảng - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật (2010)