Đại hội chi bộ có phải bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu?
Thứ hai, 18/05/2020 10:54 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Minh Hương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh hỏi: Ở đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở có phải bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu không? Nếu phải bầu thì số lượng bao nhiêu và nhiệm vụ là gì?
|
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: BL |
Trả lời:
Câu hỏi của bạn Nguyễn Minh Hương được nêu rõ tại Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.
Cụ thể, tại mục 12.2, Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, quy định: “Thành viên của ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội phải là những đại biểu chính thức của đại hội, am hiểu về công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra. Cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu, đại hội biểu quyết số lượng và danh sách ban thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội đảng viên không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu, cấp ủy triệu tập đại hội báo cáo với đại hội tình hình đảng viên tham dự đại hội”.
Như vậy, chỉ có đại hội đại biểu mới bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu. Ngoài ra, Trung ương không quy định cụ thể số lượng ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội, tùy tình hình cụ thể mà đại hội mỗi cấp quyết định. Thông thường ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội đại biểu ở cấp cơ sở có từ 3 đến 5 người.
Điểm b, Mục 12.2, Quy định số 29-QĐ/TW quy định nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu là:
“- Xem xét báo cáo của cấp ủy về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư các đại biểu.
-Xem xét, kết luận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu do cấp ủy các cấp giải quyết; báo cáo với đoàn chủ tịch đề trình đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu và việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức đã được triệu tập.
-Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu đề đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.”/.
PV (theo “Một số tình huống thường gặp ở đại hội và cách xử lý")