Trả lời:
Nội dung câu hỏi của bạn Nguyễn Quốc Văn được nêu tại Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa X, ban hành kèm theo Quyết định 25-QĐ/TW, ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 32 Hướng dẫn nói trên nêu rõ:
Điều 32. Uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ :
1- Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp uỷ viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
- Nội dung kiểm tra:
Kiểm tra những dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên; tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên (quy định ở các Điều 1, Điều 2, Điều 12, Điều lệ Đảng). Ủy ban kiểm tra căn cứ tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu công tác xây dựng đảng của địa phương, đơn vị; tính chất, dấu hiệu vi phạm của đảng viên để tập trung kiểm tra.
- Đối tượng kiểm tra:
Ủy ban kiểm tra các cấp, kể cả ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở, chỉ kiểm tra những đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; khi cần thiết thì kiểm tra đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý. Trường hợp đảng viên có dấu hiệu vi phạm là cấp ủy viên cấp mình, đồng thời là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý thì ủy ban kiểm tra cấp dưới báo cáo để ủy ban kiểm tra cấp trên chủ trì và phối hợp tiến hành kiểm tra.
Đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý, trước khi được bổ nhiệm phải có ý kiến của các Ban có liên quan của cấp ủy cấp trên (theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị và cấp uỷ các cấp thì đề nghị ủy ban kiểm tra cấp trên chỉ đạo và phối hợp tiến hành).
- Cách tiến hành:
+ Chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm, xác định nội dung, đối tượng kiểm tra.
Để phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra phải theo dõi nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động và sinh hoạt của tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo hoặc giao ban theo định kỳ với các địa phương, đơn vị; bình xét hoặc phân tích chất lượng đảng viên; qua các cuộc kiểm tra việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể đối với các tổ chức đảng và đảng viên; qua đơn thư tố cáo, ý kiến phản ảnh của đảng viên, quần chúng và trên các phương tiện thông tin đại chúng...
+ Ủy ban kiểm tra phân tích, lựa chọn để quyết định nội dung, đối tượng kiểm tra; chỉ đạo lập kế hoạch, xác định rõ yêu cầu, phương pháp, thời gian, lực lượng kiểm tra; ra quyết định hoặc thông báo kiểm tra.
+ Thông báo kế hoạch kiểm tra bằng văn bản cho đảng viên được kiểm tra và cho cấp ủy quản lý đảng viên đó biết để phục vụ cho việc kiểm tra (trước khi thông báo quyết định kiểm tra, phải gặp trực tiếp trao đổi với đảng viên được kiểm tra và cấp ủy quản lý đảng viên đó).
+ Đảng viên được kiểm tra giải trình các nội dung kiểm tra bằng văn bản, gửi cho ủy ban kiểm tra qua tổ (hoặc đoàn) kiểm tra; sau đó trình bày trước chi bộ để chi bộ góp ý kiến, xem xét, kết luận. Nhưng tùy trường hợp cụ thể và nội dung kiểm tra, ủy ban kiểm tra (cấp kiểm tra) yêu cầu đảng viên đó trình bày ở cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn,... mà đảng viên đó là thành viên, không nhất thiết phải trình bày ở chi bộ. Các cuộc họp để đảng viên được kiểm tra trình bày đều có đại diện cấp kiểm tra tham dự.
- Các tổ chức đảng (chi bộ, cấp ủy...) phải có kết luận bằng văn bản về những nội dung kiểm tra đối với đảng viên được kiểm tra (ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm nếu có và nguyên nhân); nếu thấy có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật.
Trường hợp đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì ủy ban kiểm tra (cấp kiểm tra) xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy xem xét, quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền. Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật xem xét, xử lý, nhưng ủy ban kiểm tra vẫn phải chủ động xem xét, kết luận về kỷ luật đảng đối với những nội dung vi phạm đã rõ. Khi có kết quả xử lý của cơ quan pháp luật có thẩm quyền thì xem xét lại kỷ luật đảng cho đúng mức./.