Quy định về những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đảng

Thứ ba, 10/03/2020 12:33
(ĐCSVN) – Bạn đọc Lê Thanh Bình ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) hỏi: Cách đây 3 tháng, đảng viên A đã được chi bộ đóng góp về thái độ, trách nhiệm trong việc phát ngôn. Tuy nhiên, vừa qua, đảng viên A tiếp tục có những phát ngôn thiếu tính xây dựng, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng. Đây có phải tình tiết tăng nặng khi xem xét kỷ luật đảng đối với đảng viên A hay không?

Trả lời:

Nội dung câu hỏi của bạn đọc Lê Thanh Bình được nêu tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Cụ thể, Điều 4, Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ:

Điều 4. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đảng   

1- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật:

a) Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.

b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.

c) Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

d) Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo với tổ chức.

đ) Vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.

2- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau phải xem xét tăng nặng mức kỷ luật:

a) Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa.

b) Quanh co, che giấu hoặc không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.

c) Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.

d) Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.

đ) Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

e) Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội và an ninh, quốc phòng.

g) Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.

h) Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, bị xử lý kỷ luật nhiều lần.

i) Vi phạm có tổ chức; là người chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.

k) Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.

l) Ép buộc, hướng dẫn hoặc tạo điều kiện cho người khác tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.

Đối chiếu quy định này với trường hợp của đảng viên A, việc đã được chi bộ đóng góp về thái độ, trách nhiệm trong việc phát ngôn nhưng đảng viên A tiếp tục có những phát ngôn thiếu tính xây dựng, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng. Do đó, đây là tình tiết tăng nặng khi xem xét kỷ luật đảng đối với đảng viên A./.

Ban Bạn đọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực