Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu

Thứ sáu, 20/12/2019 11:20
(ĐCSVN) – Bạn đọc Lê Mạnh Đức ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) hỏi: Người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm ra sao trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo? Trường hợp nào người đứng đầu cấp ủy sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm?
leftcenterrightdel
Người đứng đầu cấp ủy cần đề cao trách nhiệm trong tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. (Ảnh: HNT) 

Trả lời:

Nội dung câu hỏi của bạn Lê Mạnh Đức được nêu rõ tại Điều 5, Điều 6, Điều 8 - Quy định Số: 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Cụ thể:

Điều 5. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy

1. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy thì tiếp nhận để xem xét, xử lý, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; hoặc xử lý, giải quyết ngay đối với trường hợp có nội dung căn cứ, rõ ràng, cụ thể.

2. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan của các cấp khác nhau thì người đứng đầu cấp ủy thực hiện như sau:

a) Tiếp nhận, xử lý, giải quyết nội dung thuộc thẩm quyền; có văn bản chỉ đạo, yêu cầu cấp dưới hoặc các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết nội dung liên quan, báo cáo kết quả với người đứng đầu cấp ủy và thông báo kết quả giải quyết cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

b) Trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền xử lý, giải quyết thì hướng dẫn người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đề nghị giải quyết.

Điều 6. Thời hạn xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).

Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết về kết quả tiếp nhận để giải quyết và chỉ đạo giải quyết.

Điều 8. Xử lý trách nhiệm

1. Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau:

a) Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

b) Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo nhiều người; xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh, trật tự, xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân./.

Ban Bạn đọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực