Xử lý đảng viên vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Thứ tư, 01/04/2020 15:50
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Hoàng Huy ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hỏi: Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành công tác thanh tra thu chi tài chính, đảng viên A đã có hành vi tiêu hủy tài liệu làm sai lệch hồ sơ liên quan đến nội dung thanh tra. Vậy theo quy định, đồng chí A sẽ bị xử lý kỷ luật ra sao?

Trả lời:

Nội dung câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Hoàng Huy được nêu tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.

Cụ thể, Điều 14, Chương III, Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ:

Điều 14. Vi phạm hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Làm trái quy định trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

b) Trì hoãn, lẩn tránh, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, đầy đủ, trung thực các văn bản, tài liệu, số liệu theo yêu cầu của tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc đối phó với đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới mọi hình thức.

c) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với yêu cầu, kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc kết luận, quyết định của cấp có thẩm quyền.

d) Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vượt quá thẩm quyền, phạm vi, đối tượng, nội dung ghi trong quyết định mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Lợi dụng vị trí công tác can thiệp, áp đặt việc xây dựng kế hoạch, việc tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để làm trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

c) Chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, làm sai lệch hồ sơ liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

d) Tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu trái quy định về kế hoạch, nội dung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc về nội dung kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khi chưa được người có thẩm quyền ký duyệt hay chưa được phép công bố.

đ) Phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đến mức phải xử lý mà không chỉ đạo, quyết định hoặc không kiến nghị xử lý.

e) Giấu giếm, sửa chữa chứng từ, sổ sách hoặc thay đổi, tiêu hủy chứng cứ nhằm đối phó với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Cố ý kết luận hoặc tham mưu kết luận sai sự thật, quyết định xử lý trái quy định để bao che cho người khác trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

c) Cố ý không ra quyết định kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; báo cáo sai sự thật, bao che cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Đối chiếu với quy định trên, việc làm của đảng viên A đã vi phạm vào mục c, khoản 2, Điều 14, tại Quy định số 102-QĐ/TW. Theo quy định, đảng viên B sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ)./.

Ban Bạn đọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực