Bộ Công Thương quyết tâm hoàn thành các mục tiêu

Thứ tư, 04/03/2020 01:13
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu của năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
(Ảnh minh họa: A.N) 

Nhằm hoàn thành mục tiêu, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01. Theo đó, trên cơ sở 7/60 mục tiêu định lượng và 10/138 nhiệm vụ được Chính phủ giao có hạn trình trong năm 2020, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành 134 nhiệm vụ, trong đó có 50 nhiệm vụ có hạn trình trong năm 2020 và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc để tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 4 thông tư. Trong quý I/2020, Bộ Công Thương có 1 nhiệm vụ có hạn trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “Chiến lược phát triển lực lượng quản lý thị trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài ra còn có 2 nhiệm vụ bao gồm xây dựng Đề án về thúc đẩy chuyển đổi, chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xác định vai trò trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan;  xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại qua các kênh thương mại điện tử. Đến nay, Bộ đang tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát và bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, cán cân thương mại vẫn duy trì tích cực. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng chung, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng chi tiết cho lĩnh vực xuất nhập khẩu và các giải pháp thực hiện kèm theo. Đồng thời kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu, duy trì cán cân thương mại tích cực, đóng góp cho tăng trưởng. Ngoài ra, Bộ còn xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là hàng nông sản; thường xuyên theo dõi tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc để kịp thời đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Với những giải pháp cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động xuất khẩu khá ổn định so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, nhập siêu khoảng 176 triệu USD, cao hơn không đáng kể so với mức nhập siêu của cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Dự kiến trong quý I xuất khẩu nhóm này có thể giảm khoảng 12-13% so với cùng kỳ, tập trung vào một số mặt hàng như rau, quả, sắn, cao su, cà phê, chè, thủy sản. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Hiện, Bộ đã xây dựng xong đề cương chi tiết đề án và thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để phân công triển khai xây dựng đề án và đang hoàn thiện dự thảo trước khi tiến hành xin ý kiến góp ý rộng rãi của các đối tượng có liên quan.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng những kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp để phòng ngừa rủi ro do mất cân đối xuất khẩu, nhập khẩu ở một số địa bàn; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Đồng thời chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng; số hóa hệ thống thông tin về thị trường…

Đồng thời xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển thương mại.

A.N
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực