|
|
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D) |
Lý do áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng đa dạng, phong phú, từ mối đe dọa "an ninh quốc gia" dẫn đến tăng thuế nhập khẩu nhôm thép, cho đến vấn đề "bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ" dẫn đến tăng thuế các sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến lý do "cạnh tranh không lành mạnh" dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đang thực hiện nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và sắp tới là EVFTA. Tính đến tháng 12/2019, đã có 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, các nước này đã tiến hành điều tra 19/20 vụ việc. Thêm vào đó, số lượng vụ việc trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Dẫn chứng từ 2014 đến nay có 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, nhiều hơn toàn bộ số vụ việc lẩn tránh bị điều tra từ 2013 trở về trước (với 9 vụ việc).
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, xu thế điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng, đặc biệt khi ta bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA. Theo đó, EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hàng hóa của ta.
Trong thời gian qua, chủ trương của Chính phủ là kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết, bảo vệ lợi ích của các ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương hướng tới mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”.
Đề án được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đưa ra các nhiệm vụ, kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chiến lược phát triển bền vững xuất khẩu; kết hợp đồng bộ với các đề án chương trình đang triển khai liên quan đến phòng chống gian lận thương mại nói chung và lẩn tránh thuế nhập khẩu nói riêng để tận dụng các nguồn lực cũng như đảm bảo tính tập trung, nhất quán.
Ngoài ra, phương thức thực hiện quản lý chống lẩn tránh được mở rộng theo hướng cả ở cấp trung ương và địa phương; các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động triển khai các kế hoạch phòng tránh. Nội dung quản lý chống lẩn tránh mở rộng theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị, đầu tư nhằm theo dõi, giám sát, kiến nghị biện pháp quản lý toàn diện và thường xuyên hơn.
Các nhóm giải pháp chủ yếu được đưa ra bao gồm: tăng cường quản lý, giám sát hoạt xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp PVTM; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ thông qua việc ban hành các Kế hoạch hành động, thành lập các Tổ công tác triển khai quyết liệt trên thực tế. Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM đã được Bộ Công Thương xây dựng và cập nhật định kỳ để gửi các Bộ/ngành, UBND các tỉnh/thành phố (danh sách hiện nay gồm 26 mặt hàng).
Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ của các doanh nghiệp, khuyến cáo các doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian dối.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Bộ này hiện đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng đang tiến hành sửa đổi dự thảo thay thế Nghị định 127/2013/NĐ-CP và Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, trong đó có nội dung về xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm.
Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chỉ cộng gộp. Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, xác định vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng có rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ.
Có thể thấy việc ban hành, thực hiện Quyết định 824/QĐ-TTg đã tạo sự chuyển biến rất rõ nét, mạnh mẽ trong công tác ngăn ngừa, phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM. Năm 2019 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa bị khởi kiện lẩn tránh biện pháp PVTM một phần là do nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các nghi vấn của nước ngoài, Bộ Công Thương cho rằng bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cần có sự tích cực, chủ động tham gia, phối hợp của doanh nghiệp - những người hưởng lợi cũng như bị ảnh hưởng trực tiếp từ biện pháp của nước ngoài áp dụng.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý hiện đại để đáp ứng các yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và PVTM tại một số thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh hiện tượng xuất khẩu vào một số thị trường tăng trưởng quá nóng./.