Bám sát đặc điểm địa bàn miền núi với hơn 80% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị ở Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác dân vận. Các cấp ủy đảng tăng cường công tác xây dựng đảng, nâng cao tránh nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong quan hệ với nhân dân. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước quan tâm hoàn thiện pháp luật, giải quyết lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” đạt nhiều thành tựu tích cực. Các cơ quan Nhà nước đã tăng cường công tác thể chế, cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, công tác cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội bổ sung quy chế công tác dân vận vào quy chế hoạt động của đơn vị, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện. Tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành công nổi bật của công tác dân vận ở tỉnh Hòa Bình đó là đã phát huy nội lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2019, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt NTM, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn NTM so với năm 2011 và tăng 51 xã so với năm 2015. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011; tăng bình quân 3,51 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015. Hiện Hòa Bình không có xã dưới 10 tiêu chí. Đặc biệt, 1 đơn vị là thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
|
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ của nông dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VL) |
Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã phát huy tính chủ động, sáng tạo và tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định cụ thể hơn, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, từng bước thực thi hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Theo đồng chí Trần Đăng Ninh, Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, công tác dân vận tại các cơ quan, địa phương trong toàn tỉnh đã được thực hiện có nề nếp, hiệu quả. Những hiệu quả tích cực từ công tác dân vận đã có ý nghĩa to lớn trong tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; giữ ổn định tình hình, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn tỉnh.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương đẩy manh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác dân vận khéo, kịp thời nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo", tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội gắn với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm và nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, lắng nghe các ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân; xác định công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đổi mới công tác nắm tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị... Từ đó, tăng cường sự đồng thuận xã hội; củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tạo cơ sở để phát huy vai trò của nhân dân tham gia tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương./.