Đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mới

Thứ tư, 22/04/2020 22:05
(ĐCSVN) - Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, đến năm 2030, về sản xuất lương thực, thực phẩm, giữ ổn định khoảng 3,3 - 3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho con người, chế biến, làm thóc giống, dự trữ và xuất khẩu.

 Hiện nay, gạo của Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới .
(Ảnh minh họa: KL)

Những thành quả trong sản xuất lương thực, thực phẩm

Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Ban cán sự Đảng các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt Kết luận và thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án cụ thể. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Triển khai Kết luận số 53-KL/TW và Nghị quyết 63/NQ-CP, đến nay, ghi nhận đã có nhiều kết quả nổi bật. Có thể kể đến tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 2009-2019 duy trì ở mức khá, đạt 2,61%/năm, sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Trên lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất tăng 2,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,99%/năm; đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất tăng 5,2%/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng 35,8% so với năm 2009. Với thủy sản, giá trị sản xuất tăng 3,91%/năm; sản lượng thuỷ sản tăng từ 4,85 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn năm 2019.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, giải quyết bức xúc thực tiễn. Trong đó, đã công nhận 685 giống cây trồng (trong đó có 180 giống lúa, 20 giống ngô); công nhận 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi mới; làm chủ công nghệ chọn tạo giống lợn. Đồng thời, bộ giống gia cầm phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao,...

Đặc biệt, về xuất khẩu lương thực, triển khai Đề án “Thương hiệu gạo Việt Nam” và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; thị trường xuất khẩu lúa gạo không ngừng mở rộng, chuyển mạnh sang chính ngạch. Năm 2018 được xem là cột mốc quan trọng với mức xuất khẩu 6,16 triệu tấn, giá trị 3,06 tỷ USD. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường đa dạng, chủng loại chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Về phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trước năm 2011, tỷ trọng giá trị sản phẩm lương thực, thực phẩm được sản xuất, chế biến, tiêu thụ qua hợp đồng rất thấp, chỉ chiếm từ 3-15%. Đến nay, cả nước có 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn, trong đó, diện tích trồng lúa 516,9 nghìn ha (chiếm 89,2%). Đồng thời, đã phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi, 2.374 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm kiểm soát theo chuỗi.

Trong giai đoạn 2009 – 2019, sản lượng lúa của nước ta tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.

Đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mới

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời kỳ tới, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, chậm được khắc phục; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, có tác động trực tiếp đến nguồn cung lương thực, thực phẩm. Đồng thời là áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế.

Trước tình hình trên, Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, đến năm 2030, về sản xuất lương thực, thực phẩm, giữ ổn định khoảng 3,3 - 3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho con người, chế biến, làm thóc giống, dự trữ và xuất khẩu. Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3 - 2,5 triệu tấn, trứng gia cầm 22 - 23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 9 - 10 triệu tấn.

Để triển khai được các mục tiêu trên, các giải pháp được đề ra: Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, an toàn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc; quản lý hiệu quả sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản.

Đáng chú ý, quan tâm nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, đồng thời, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm. Với các vùng không chuyên canh, tập trung tăng quy mô, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, xây dựng hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống lưu thông lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống. Phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hệ thống giao thông.

Phát triển công nghiệp chế biến sâu cũng là một trong những giải pháp cần được quan tâm nhằm tăng sản phẩm được chế biến. Đồng thời, hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, công nghiệp phụ trợ cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Ngoài ra, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại. Tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển lúa gạo với Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức khoa học quốc tế khác nhằm đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực