Đổi mới tư duy và hành động

Thứ hai, 28/09/2020 16:20
(ĐCSVN) - Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong 5 năm qua, vượt qua nhiều thách thức, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ cơ quan đã cố gắng, nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Phát huy vai trò kiến thiết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ qua, Đảng ủy cơ quan, cấp ủy của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo các đơn vị, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Cán bộ, đảng viên và các đơn vị thuộc Bộ đã cụ thể hóa tinh thần của các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 (khóa XII), đổi mới tư tưởng chỉ đạo về phương pháp xây dựng kế hoạch, dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tổng hợp về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội Đảng bộ diễn ra đầu tháng 9 vừa qua. (Ảnh: MPI)

Là Bộ tiếp tục giữ được vai trò đi tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động, Bộ đã theo dõi sát, thường xuyên phân tích, dự báo tình hình, đề xuất kịp thời các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội; tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công. Chủ động đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đề án, báo cáo, kiến nghị do Bộ tham mưu đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, cải cách hành chính bám sát chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thi đua, khen thưởng có nhiều chuyển biến, cơ bản khắc phục tính hình thức tính bình quân. Công tác truyền thông, báo chí có nhiều đổi mới sáng tạo năng động, chuyên nghiệp, bám sát hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ và thực tốt vai trò là cầu nối tin cậy giữa các nhà hoạch định chính sách với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiệm kỳ qua (tính từ 8/2015- 8/2020), Bộ đã triển khai nghiên cứu tham mưu xây dựng 384 đề án, báo cáo về các cơ chế chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật (chưa kể các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý), trong đó đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền: 9 dự án Luật, 16 Chỉ thị, 51 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 26 Nghị quyết và 24 Nghị định của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 64 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 60 Thông tư và 04 Thông tư liên tịch.

Các đề án, báo cáo do Bộ chủ trì thực hiện đều bám sát và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong chương trình cũng như giao bổ sung. Góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hoá thủ tục hành chính, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong những lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đánh giá chung, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy cơ quan đã phối họp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng, động viên cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ vượt qua mọi khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Bộ đã đổi mới tư tưởng, tập trung chính cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật trên tinh thần công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và địa phương; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công.

Công tác hướng dẫn, xây dựng quy hoạch và giao vốn đầu tư thực hiện theo hướng chính xác, hiệu quả, kịp thời; áp dụng công nghệ tin học, tăng cường phân cấp và sự chủ động của các bộ, ngành địa phương, không vụ lợi, dàn trải; không áp đặt. Bộ đã chủ động tham mưu cho Đảng, Chính phủ tạo bước đột phá mới về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất về xây dựng thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế.

Về công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đạt được nhiều tiến bộ. Việc triển khai học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng nghiêm túc, có nhiều đổi mới, sáng tạo về hình thức, chất lượng hiệu quả về nội dung. Đã có nhận thức và chuyển biến rõ nét sau khi toàn Đảng bộ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, đảm bảo chất lượng. Các cấp ủy đảng đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc phê và tự phê bình, củng cố tổ chức Đảng, chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. Vai trò của cấp ủy trong công tác tổ chức, cán bộ ngày được khẳng định và phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên đi vào nền nếp. Đảng ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội có hiệu quả.

 

Hà Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực