Hiệu ứng tích cực, lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước

Thứ sáu, 18/09/2020 15:32
(ĐCSVN) – Đại hội thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là dịp để các tập thể, cá nhân chia sẻ nhiều cách làm hay, mô hình tốt. Từ đó động viên, cổ vũ toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa tình đoàn kết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cộng đồng…

Phong trào thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam: Huy động sức mạnh của toàn dân tộc

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (Ảnh: TA).

Tham luận tại Đại hội diễn ra sáng 18/9, các ý kiến góp phần khẳng định với sự vào cuộc tâm huyết, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là sự nhiệt tình, tận tụy với công việc của cán bộ các cấp, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động ngày càng lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Hà Thị Nga: Thi đua mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ

Với tư cách là của thành viên MTTQ Việt Nam, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, hướng về cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với MTTQ trong triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả rõ nét, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ.

Cụ thể, hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế" (phong trào “Đoàn kết sáng tạo), Hội tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bằng nhiều hoạt động, cách làm ở tất cả các cấp, Hội đã khuyến khích phụ nữ hăng hái học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; khuyến khích phụ nữ tích cực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất như: Tiếp tục duy trì các Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskia hằng năm, các cuộc thi khuyến khích phụ nữ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp), tặng Bằng khen, trao học bổng cho nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc… Đã có 7.640 phụ nữ có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được Hội hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ làm trọng tâm thực hiện. Điểm nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động đó là Hội đã tập trung đề xuất cơ chế, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động... 100% cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền với hơn 15.000 phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện đạt kết quả.

Điểm mới, Hội đã tăng cường vận động xã hội hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, phụ nữ khó khăn, vùng sâu, vùng xa thông qua triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong 3 năm (2018-2020) với cách làm bài bản, khoa học, đổi mới, sáng tạo: huy động một số người nổi tiếng làm đại sứ của Chương trình để tăng hiệu quả truyền thông; có fanpage “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với gần 2.500 người theo dõi và tiếp cận, chia sẻ bài viết; mở chuyên mục “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên trang web Hội, Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam. Các  đơn vị đồng hành được phân công giúp tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ từng xã trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động giúp đỡ phù hợp thực chất, thiết thực bám sát nhu cầu của  hội viên, phụ nữ biên giới như xây dựng mô hình sinh kế; hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, phân bón, con giống, vốn vay; tổ chức khám chữa bệnh; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Kết quả, đã huy động nguồn lực khoảng 110 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ 155 xã biên giới khó khăn.

Song song với tuyên tuyền vận động, Hội chú trọng chỉ đạo thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả như: Mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” được Trung ương Hội hướng dẫn, chỉ đạo điểm tại 8 cụm thi đua và nhân rộng ở 46 tỉnh với gần 3.500 chi hội. Đây là mô hình thực hiện toàn diện các tiêu chí 5 không, 3 sạch gắn với tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, xác định các vấn đề ưu tiên để phụ nữ từng chi hội thực hiện, có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả nông thôn mới. Mô hình tiết kiệm bằng nhiều hình thức: không chỉ giúp nhau vốn sản xuất, kinh doanh mà còn hướng tới thực hiện mục tiêu an sinh xã hội như giúp nhau mua bảo hiểm y tế, xây dựng công trình vệ sinh, cải thiện nhà ở, thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đến nay, hơn 11 triệu hội viên phụ nữ đã tham gia hoạt động tiết kiệm, huy động được 8,6 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,2 triệu lượt phụ nữ vay. Các mô hình hiệu quả về vệ sinh môi trường đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều tỉnh/thành như: mô hình thu gom rác thải, xử lý và phân loại rác thải tại gia đình; tuyến đường hoa, cây xanh với gần 55.000 km.

Qua thực hiện cuộc vận động đã có 10,7 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch; hơn 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, trong đó gần 300 nghìn hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo của cả nước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ nông thôn, thực hiện tiêu chí nông thôn mới…

 Các đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2020-2025. (Ảnh:TA)

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh: Kết quả các cuộc vận động là minh chứng khẳng định rõ vai trò tập hợp, vận động của MTTQ Việt Nam các cấp

Từ sau Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XIV đến nay, với khí thế mới và quyết tâm mới, hoạt động Mặt trận tỉnh Nghệ An ngày càng thực chất và rõ nét; từng bước khẳng định rõ vai trò là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; phương thức hoạt động Mặt trận luôn linh hoạt và sáng tạo; nội dung hoạt động ngày càng có chiều sâu; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Kết quả của các cuộc vận động tại Nghệ An là một trong những minh chứng sinh động nhất, khẳng định rõ vai trò tập hợp, vận động của MTTQ Việt Nam các cấp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, đạo lý tốt đẹp và sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cụ thể, với trách nhiệm là đơn vị chủ trì phối hợp tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nguồn lực chăm lo hỗ trợ cho người nghèo, MTTQ các cấp đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức vận động, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh bạn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo về nhà ở, phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để người nghèo thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2014-2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tiếp nhận hơn 212 tỷ đồng, các Quỹ an sinh xã hội khác tiếp nhận hơn 146 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 4.500 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hỗ trợ gần 11 ngàn hộ nghèo phương tiện sản xuất, giống cây con để hộ nghèo phát triển kinh tế, hỗ trợ gần 55 ngàn học sinh nghèo đến trường, gần 9.500 hộ nghèo khám chữa bệnh, ngoài ra cùng các nguồn lực khác hỗ trợ 107 công trình dân sinh giá trị hơn 57 tỷ đồng phục vụ cuộc sống người dân. Đặc biệt, Chương trình “Tết vì người nghèo” 5 năm qua đã tiếp nhận số tiền ủng hộ hơn 335 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ, tặng quà tết cho hơn 513 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo… Những kết quả vận động trên đã góp phần quan trọng vào việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 13% (năm 2015) xuống còn 4% (năm 2020).

Cùng với công tác chăm lo người nghèo, MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó MTTQ các cấp tập trung tuyên tuyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến ngày công, hiến kinh phí và hiện vật để thực hiện nông thôn mới. Giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình nông thôn mới tỉnh Nghệ An là 56.081 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 9.209 tỷ đồng (chiếm 16,42%), qua đó góp phần đưa về đích nông thôn mới 265 xã (chiếm 57,6%) và 04 đơn vị cấp huyện (Thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành).

Điểm nhấn đáng chú ý là để tạo bước đột phá trong công tác an sinh xã hội, ngay sau Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung chỉ đạo hệ thống MTTQ các cấp quyết tâm đổi mới nội dung và phương thức vận động, chú trọng hỗ trợ cải thiện nhà ở, tạo sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Sau 10 tháng triển khai, đến nay, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, vận động được trên 104,34 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 1.975 nhà “Đại đoàn kết”/mục tiêu 1.200 nhà. Ngoài ra, cùng với các địa phương khác trong cả nước, MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền và hiện vật quy đổi trên 78 tỷ đồng (đứng thứ 3 cả nước).

Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động phật sự

Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh:TA)

Trước diễn biến ô nhiễm môi trường ngày càng tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chúng tôi ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và MTTQ Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời kêu gọi các nỗ lực phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chăm sóc con người, sự sống trên trái đất và các nỗ lực bảo vệ cộng đồng bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020), trong đó cam kết 04 nội dung hành động thiết thực tại cộng đồng tôn giáo của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh hoa của Phật giáo nhập thế, truyền thống đồng hành cùng dân tộc, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 63 Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Ở nhiều địa phương đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp 3 bên (Mặt trận, phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Phật giáo) đến cấp huyện, tạo ra sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong tăng ni, phật tử cả nước.

Đồng thời đưa nhiệm vụ tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những phương hướng hoạt động Phật sự hằng năm của các cấp giáo hội và chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tăng ni sinh các Học viện Phật giáo, các lớp cao đẳng và trung cấp Phật học… Phát động phong trào trồng cây, gây rừng trong tín đồ, Nhân dân... Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều cấp Giáo hội đã tích cực đi đầu trong việc thực hiện trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Chương trình “Chung tay trồng rừng Viêt Nam” của Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện trong năm 2019 đã trao tặng hơn 1,5 triệu cây giống lâm nghiệp cho hộ nghèo vùng bị cháy rừng ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên… Hay dưới sự chỉ đạo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm phát triển Thế giới thêm xanh kết hợp Trung tâm tình nguyện quốc gia và các đơn vị địa phương tiếp tục hành trình “Trồng hoa Ngọc Lan tại 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận”. Hành trình tiếp tục trồng cây tại 34 di tích lịch sử, đền chùa như: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Gôi (Nam Định), Tổ đình chùa Keo (Thái Bình), văn Miếu Mao Điền (Hải Dương)…

Trung ương Giáo hội là đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện, tổ chức phóng sinh và tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tăng ni, phật tử… Thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; qua đó ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sinh ngoại lai xâm hại ra môi trường; chủ động cung cấp và vận động tăng ni, phật tử, người dân thả phóng sinh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội. Ngoài ra, thành lập và ra mắt chuyên mục “Phật giáo và môi trường bền vững” trên cổng thông tin chính thức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Phatgiao.org.vn.

Giáo hội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hoằng pháp trong tín đồ phật tử nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu trợ đồng bào khi gặp thiên tai bão lũ đạt được những kết quả đáng kể. Theo Báo cáo tổng kết công tác cứu trợ của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII (năm 2012 - 2017), tổng số tiền vận động cứu trợ của Giáo hội lên tới trên 6.800 tỷ đồng…/.

Trung Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực