Hướng đi mới cho vùng đồng bào Cor ở Quảng Ngãi

Chủ nhật, 26/01/2020 22:39
(ĐCSVN) - Cứ độ cuối đông, khi mà đất trời bắt đầu chuyển giao chuẩn bị sang xuân thì cộng đồng người Cor huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại tập trung về thôn Thọ An (xã Bình Nguyên) để tổ chức Tết Ngã rạ. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào với mục đích tạ ơn thần linh đã phù hộ cho bà con được mùa rẫy trong năm.
 Ngôi nhà sàn thôn Thọ An được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng, giúp đồng bào Cor nơi đây có được nơi để sinh hoạt, tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống.

Năm nay, Tết Ngã rạ diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/11 âm lịch. Đây cũng là khoảng thời gian mà thời tiết có nắng ấm. Theo già Nguyễn Văn Minh- Người uy tín ở thôn Thọ An thì năm nay được Nhà nước đầu tư cho thôn một ngôi nhà sàn khang trang để làm nơi sinh hoạt, tổ chức các lễ hội của cộng đồng, đồng thời cũng hỗ trợ một phần kinh phí nên lễ hội mới lớn và quy mô hơn các năm trước.

“Từ nhiều đời nay, người Cor ở huyện Bình Sơn luôn xem thôn Thọ An như vùng đất “thiêng” của mình. Việc chính quyền đầu tư xây dựng ngôi nhà sàn tại đây phù hợp với nguyện vọng của dân làng. Từ đây, các nghi thức, tập tục, lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Cor từng bước được khôi phục và phát huy”- Già Nguyễn Văn Minh chai sẻ.

Riêng về Tết Ngã rạ, già Minh cho biết: “Ngã rạ” hay còn gọi là giã rạ, tiếng Cor là  xa a-nít, tức ăn tết hay lễ lúa lên chòi, với nhiều nét đặc thù. Nếu lễ ăn cơm mới bắt đầu cho việc thu hoạch thì lễ ngã rạ có tính chất như tổng kết một mùa lúa, tạ ơn thần linh đã phù hộ, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bộ thu, nhà nhà ấm no; đồng thời đây cũng là dịp để mọi  người trong làng gặp gỡ vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả.

Tết Ngã rạ có 2 nghi thức cúng chính, trong đó vào ngày đầu (21/11), các gia đình cúng tạ ơn trời và thần linh tại nhà của mình và sang ngày thứ hai (22/11) là nghi thức rước, cúng thần tại nhà sàn của thôn. Các nghi thức cũng này thu hút đông đảo người dân và khu khách gần xa đến tham dự.

 Mâm cũng tạ ơn thần linh được đồng bào bày ra và được già làng cùng các vị chức sắc trong thôn tiến hành nghi thức cúng tạ ơn.

Theo già Nguyễn Văn Minh, năm nay người Cor ở huyện Bình Sơn đều được mùa rẫy. Đây là kết quả của bao công sức nắng mưa và nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thóc lúa, củ quả gặt hái rất nhiều. Cộng với đó là mưa thuận gió hòa nên mùa màng bội thu. Càng vui hơn khi năm nay bà con được vui Tết Ngã rạ trong ngôi nhà sàn khang trang do huyện hỗ trợ, vừa đươc khánh thành. 

Trước đó, theo quan sát của chúng tôi, từ sáng sớm ngày 22/11, hàng trăm người dân thôn Thọ An và các vùng phụ cận đã tề tựu đông đủ bên ngôi nhà sàn của thôn. Nét mặt ai cũng vui và phấn khởi. Đặc biệt, với những gia đình năm nay trúng mùa, khi đến nhà sàn thôn họ không quên mang theo các loài hoa quả, bánh trái và gà, vịt… để cúng, tạ ơn thần linh.

Trước khi vào nghi thức cúng tạ ơn thần linh tại nhà sàn của thôn Thọ An, bên trong khuôn viên của nhà sàn được bà con đặt nhiều bàn bày lên các loại bánh trái, một số thức ăn của đồng bào và những đặc sản, vật chất khác…do bà con làm ra.

Đặc biệt, ở trên bục cao nhất của nhà sàn, bà con bày ra mâm cúng với 4 con gà và kèm theo rượu cần, nến, trầu cau, hoa, quả, sáp ong, bánh lá đót… để cúng, tạ ơn thần linh. Già làng bắt đầu bài cúng với nội dung là cảm ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân làng bình yên, mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong mùa rẫy năm tới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mọi nhà có nhiều thóc gạo và vật nuôi.

Sau nghi thức cúng là các hoạt động hội khá sôi động của đồng bào, trong đó ấn tượng nhất là các bài trình diễn cồng chiêng và múa hát, đấu chiêng, múa cà đáo. Không khí lễ hội càng thêm sôi nổi với phần tranh tài các trò chơi dân gian như thi giã gạo, gói bánh đót, thi khà khịa…....

Tại lễ hội, các thiếu nữ người Cor rất nổi bậc và khéo trong những điệu múa cũng như diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong khi đó, các chàng trai thì thể hiện bài cồng chiêng với những bước nhảy mạnh mẽ, hấp dẫn. Tiếng cồng chiêng dồn dập cùng với những điệu múa uyển chuyển của các nam thanh, nữ tú người Cor cũng thôi thúc, mời gọi nhiều du khách tham gia, qua đó làm cho không gian lễ hội tại nhà sàn thôn Thọ An thêm hấp dẫn, lôi cuốn. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trụ Thị Lợi hồ hởi: “Bình Sơn là vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước giúp đỡ mà hiện nay dân làng chúng tôi có điều kiện để tổ chức Tết Ngả rạ hằng năm. Mọi người ai cũng vui và tự hào khi lễ hội lần này co sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều du khách nữa. Vì thế, nhiều bạn trẻ như tụi em đang cố gắng phát huy truyền thống để góp phần quảng bá và giúp mọi người biết về lễ hội truyền thống ở quê mình nhiều và rộng rãi hơn nữa”.

Các chàng trai, cô giá người Cor trong trang phục truyền thống nhảy múa và thể hiện những bài cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình tại Tết Ngã rạ.

Thông tin về những hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương giúp bà con người Cor tổ chức Tết Ngã rạ lần này, ông Lý Thọ- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Với chủ trương khôi phục bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor, những năm qua, huyện Bình Sơn đã triển khai nhiều hoạt động; mời nghệ nhân dạy cồng chiêng, mua sắm trang phục truyền thống, hỗ trợ tổ chức Lễ Ngã rạ. Cạnh đó, UBND huyện Bình Sơn cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án cho vùng đồng bào Cor trên địa bàn như: nhà sàn, vườn hoa, suối hoa… phát động đồng bào trồng hoa tạo quang cảnh để tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này.

“Cùng với sự đầu tư của chính quyền và nỗ lực của người dân, đến nay bộ mặt thôn Thọ An dần thay đổi. Riêng trong 2 năm 2018 và 2019,  khi huyện có chủ trương thực hiện khu du lịch sinh thái tại Thọ An, đời sống người dân nơi đây có nhiều khởi sắc. Hiện Thọ An chỉ còn 34 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ  16,7% tổng số hộ. Tập tục du canh du cư đã không còn, người dân tự giác gia sản xuất, mở rộng diên tích trồng lua nước và tập trung sản xuất các cây nông sản có giá trị kinh tế cao”- ông Lý Thọ cho biết và khẳng định thêm: Thời gian qua Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có Nghị quyết 04 về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương này, huyện Bình Sơn cũng đã trích một phần kinh phí từ ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để bà con nơi đây sinh hoạt, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến đây. Bình Sơn có hơn 50km bờ biển, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Chúng tôi kỳ vọng với định hướng mở ra khu vực du lịch sinh thái từ Thọ An sẽ là điểm nhấn để tiếp tục lan tỏa, kích thích tư duy và sự sáng tạo, lòng tự tôn để đồng bào Cor biết vượt qua khó khăn vươn lên trong thời gian tới.

Chia tay thôn Thọ An trên con đường bê tông mới được địa phương đầu tư xây dựng, chúng tôi cảm nhận được mảnh đất miền Tây của Quảng Ngãi – Nơi có đông đồng bào Cor sinh sống, vốn khó khăn từ nhiều đời nay, giờ đã có nhiều thay đổi. Một mùa xuân mới lại về./.

Bài, ảnh: Đình Tăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực