|
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần tích cực trong quá trình xây dựng NTM ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Ngọc Lan) |
Huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) là địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ thực tế đó, Huyện ủy Vĩnh Lộc xác định thực hiện tốt công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM. Do vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội ở Vĩnh Lộc chú trọng thực hiện có hiệu quả. Phương thức tuyên truyền, vận động được đổi mới nhằm làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình, cần sự chung tay, góp sức của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thường xuyên được kiện toàn; đổi mới các nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Đồng thời, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được MTTQ và các tổ chức đoàn thể chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thông qua các hội nghị, các cuộc họp tại khu dân cư, qua hệ thống truyền thanh, thực hiện lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào của địa phương; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu và lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM. Kết quả, đến nay trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có gần 500 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực như: Mô hình phát triển kinh tế, mô hình văn hóa, mô hình quốc phòng - an ninh, mô hình hệ thống chính trị... Cuối năm 2019, 15/15 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước đạt 42,15 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn ước đạt 41,56 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Thanh Hóa.
Tìm hiểu được biết, cùng với huyện Vĩnh Lộc, tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng luôn được quan tâm, thực hiện gắn với đặc điểm và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hằng năm, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, các mô hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng một cách toàn diện, đa dạng trên cơ sở khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; hướng mạnh vào nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
Theo đánh giá, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa đã thu được kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đề ra. Toàn tỉnh có 148 xã, 1.635 thôn đã được công nhận đơn vị “Dân vận khéo”. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các mô hình với nhiều cách làm sáng tạo như: Mô hình “trồng hoa thay thế cỏ ven đường”, “cánh đồng, dòng sông không rác thải”, “sản xuất rau an toàn”, “cấy lúa thông minh”... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Sự lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM của toàn tỉnh. Đến nay, Thanh Hóa đã có 332 trong tổng số 569 xã đạt chuẩn NTM (bằng 58,34%), hoàn thành mục tiêu của tỉnh sớm trước một năm. Đối với cấp huyện, đã có 5 huyện đạt chuẩn NTM; một thành phố, một thị xã đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở chủ đề công tác “Năm Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương triển khai, từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tiếp tục chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trọng tâm là xây dựng những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thực sự tiêu biểu, có tính bền vững, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết công việc cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp công dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo... Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng chú trọng tổ chức rà soát, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Theo đồng chí Hà Thị Phương, Phó Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa, qua 10 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, triển khai sâu rộng; tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và toàn tỉnh. Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân./.