Thống kê cho thấy, lĩnh vực hoạt động thương mại dịch vụ năm 2019 có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2019 đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD tăng 20,3% so với thực hiện năm 2018, vượt mức kế hoạch năm 7,5 - 8%, hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình 03 của Thành ủy (tăng 8 - 9%). Mức tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay (năm 2016 tăng 2%; năm 2017 tăng 9,6%; năm 2018 tăng 18,8%).
Để có được kết quả trên, không thể không nói đến những nỗ lực của ngành, trong năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành đôn đốc, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) để tham mưu, trình UBND thành phố ban hành quyết định thành lập 13 CCN trong năm (gấp 2,6 lần so với năm 2018). Sau 2 năm thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố đã xét chọn, công nhận được 91 sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Bên cạnh đó, công tác bình ổn thị trường, cân đối cung cầu được thực hiện tốt với nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, các hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh/ thành, các chương trình khuyến mại, kích cầu đa dạng, phong phú và thiết thực; qua đó góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân với lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực công thương, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh hàng đa cấp, công tác an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường. Năm 2019, Sở Công Thương đã tiến hành rà soát và công bố 18 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, qua đó cắt giảm 13 thủ tục hành, thời gian trả kết quả giảm từ 25% - 40%; đảm bảo giải quyết 100% hồ sơ đúng hạn và sớm hạn.
Một con số khác cũng hết sức ấn tượng là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 trên địa bàn thành phố tăng 8,5%, đây cũng là mức tăng cao nhất của IIP từ năm 2016 trở lại đây.
Đặc biệt, trước yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2019, Sở đã chú trọng đề xuất, tích cực triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất – phân phối – tiêu dùng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng dụng năng lượng mới,… được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên toàn thành phố.
Nhờ đó, năm 2019 Hà Nội đã hoàn thành tất cả 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,62%, vượt kế hoạch đề ra (7,4 - 7,6%); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 268,391 nghìn tỷ đồng, vượt 2% dự toán và tăng 8,8% so với năm 2018; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,46 tỷ USD, dẫn đầu cả nước; thành lập mới 27.902 doanh nghiệp, tăng 11% về số lượng và 30% về vốn đăng ký so với năm 2018….
Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, Sở Công Thương đã nỗ lực, quyết liệt tập trung thực hiện các nhiệm vụ bám sát các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của thành phố và Bộ Công Thương, để góp phần tạo ra thành tích chung của thành phố.
Lãnh đạo thành phố cũng đưa ra dự báo, năm 2020, tình hình chính trị, xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động, đối với Thủ đô, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng do chính sách bảo hộ thương mại và xu hướng phá giá đồng nội tệ của một số quốc gia. Năm 2020 là năm về đích của kế hoạch 5 năm 2016 - 202, do đó, ông Nguyễn Doãn Toản đề nghị Sở Công Thương Hà Nội tập trung đánh giá những tồn tại của năm 2019 và đề ra nhiệm vụ năm 2020, phấn đấu năm 2020 sẽ về đích hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu mà thành phố để ra cho giai đoạn 2016 – 2020.
Trong đó, về phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Doãn Toản đề nghị Sở Công Thương rà soát kỹ lại các CCN từ khâu lựa chọn chủ đầu tư, báo cáo đầu tư,… căn cứ vào đề xuất của các quận, huyện trước khi trình lên thành phố. Đối với các CCN đã có quyết định thành lập, để nghị đôn đốc thực hiện để sớm có mặt bằng sản xuất. Đối với các đề án liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp chủ lực cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả.
Về công tác phát triển thị trường, lãnh đạo Hà Nội đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch Hà Nội đổi mới triển khai thực hiện mang lại hiệu quả và thiết thực hơn. Đồng thời đề nghị Sở Công Thương đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong công tác kết nối cung cầu đảm bảo nguồn hàng.
Ông Nguyễn Doãn Toản cũng đề Sở Công Thương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi chia sẻ dữ liệu, quản lý theo quy trình ISO, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Rà soát, kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương để tăng cường phân cấp và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.