Ngành Nông nghiệp tập trung nguồn lực để bứt phá

Thứ tư, 08/01/2020 17:05
(ĐCSVN) - Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ, năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xác định sẽ nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
leftcenterrightdel
 Năm 2020, triển khai xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn .(Ảnh: ĐH)

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là năm bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành Nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện với những yếu kém còn tồn tại và đứng trước những thách thức mới như: chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp, năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, xâm nhập mặn ở nhiều nơi sẽ diễn biến khó lường hơn; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp,…Đây là những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Về mặt thể chế, trong năm 2020, ngành sẽ hoàn thành để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều. Xây dựng và hoàn thiện các Nghị định, Quyết định, Thông tư theo đúng kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2020. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, khả thi.

Ngành Nông nghiệp xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Thực hiện xoay trục chiến lược 3 nhóm sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của từng vùng miền; thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, gắn chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học,…Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ; phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành.

Triển khai xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2020. Trong đó, ngành sẽ triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025. Xây dựng, trình phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp xã, huyện, tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền và theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, triển khai quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là dự án hoàn thành trong năm 2020. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện cơ cấu lại đầu tư công thực chất hơn, để tập trung vốn đầu tư công cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phục vụ cơ cấu lại ngành và phòng chống thiên tai.

Nhằm tạo điều kiện cho công tác cải cách hành chính, ngành Nông nghiệp chủ trương xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo các Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Nghị quyết số 30a/NQ-CP,…Thực hiện cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo. Nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tăng cường công tác thông tin, thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Đáng chú ý, trong năm 2020, ngành sẽ quan tâm chú trọng tới việc tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến, Đại hội thi đua yêu nước các cấp và tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành lần thứ V và hưởng ứng tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành NN&PTNT; chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổ chức triển khai và sơ kết các phong trào thi đua “Chung sức thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể hóa các phong trào thi đua chuyên đề, hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương phát động như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức Bộ NN&PTNT thi đua thực hiện văn hóa công sở”,…/.

Thanh Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực