|
Tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại xã Kon Pne, huyện Kbang. (Ảnh: M.N/Báo GLO)
|
Xuất phát từ yêu cầu của công tác tuyên truyền tại địa bàn vốn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ năm 2016 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã thí điểm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Hình thức tuyên truyền này có nhiều ưu thế, bởi nó đáp ứng nhanh chóng, kịp thời yêu cầu thông tin về vấn đề “nóng”, nhạy cảm được dư luận quan tâm mà các hình thức khác khó thể hiện.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Đảng ủy các xã có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, dân tộc, tôn giáo để thí điểm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng, cụ thể là các xã: Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Le (huyện Chư Pưh), Hra (huyện Mang Yang), An Thành (huyện Đak Pơ), Ia Dom (huyện Đức Cơ), Ia Mơ (huyện Chư Prông) và Chư A Thai (huyện Phú Thiện).
Kết quả đã lựa chọn và xây dựng được gần 150 nòng cốt tuyên truyền miệng (mỗi thôn, làng có từ 02 đến 04 người tham gia) gồm những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh... Đây đều là những người sống gần gũi, gắn bó với nhân dân tại địa phương, đồng thời am hiểu phong tục tập quán, tâm lý và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên địa bàn đang sinh sống. Đặc biệt, họ còn là những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực tham gia hoạt động ở địa phương, có khả năng tuyên truyền miệng và nhạy bén với thực tiễn.
Xã Kon Pne, huyện Kbang là một trong những địa phương của tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở từ năm 2017. Chia sẻ về cách thức triển khai, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã thành lập đội tuyên truyền viên cấp xã và ban hành đề cương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền định kỳ trên các lĩnh vực trọng điểm như: an toàn giao thông, hôn nhân gia đình, quản lý bảo vệ rừng. Kết quả là chỉ sau một năm đầu thực hiện đã cho thấy sự thay đổi tích cực, trên địa bàn xã Kon Pne không có trường hợp vi phạm về Luật Quản lý và Bảo vệ rừng; nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết được nâng lên rõ rệt; người dân cũng đã chấp hành tốt hơn việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không chở quá số người quy định;...
Ông Rơ Mah Uếp (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chia sẻ: "Cái hay của công tác tuyên truyền miệng là người tuyên truyền và đối tượng được tuyên truyền tiếp xúc trực tiếp với nhau. Khi tuyên truyền, báo cáo viên cần chuẩn bị đầy đủ những kiến thức cơ bản để phổ biến và giải đáp thấu tình, đạt lý những thắc mắc phát sinh của người dân". Với kinh nghiệm của một tuyên truyền viên cơ sở lâu năm, ông Rơ Mah Uếp cho rằng, một trong những cách thức tuyên truyền hiệu quả nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đó là thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chiếu phim lưu động vào ban đêm. Bằng cách làm này, người dân thường đến tham dự đông đảo; cấp ủy, chính quyền cần chuẩn bị nội dung tuyên truyền lồng ghép với những vấn đề cụ thể như: huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch...
Kết hợp tuyên truyền trong sinh hoạt với bà con
Bằng hình thức này, cộng thêm sự quan tâm, động viên, giao nhiệm vụ kịp thời, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã từng bước phát huy hiệu quả, cùng với hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố đã góp phần quan trọng tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân; tạo sự thống nhất dư luận trước các vấn đề chính trị, thời sự trong nước và trong tỉnh được dư luận quan tâm, chú ý.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định như: Chất lượng, nội dung tuyên truyền miệng chưa đáp ứng nhu cầu và trình độ ngày càng cao của nhân dân; việc chủ động lắng nghe, đối thoại còn hạn chế; công tác nắm bắt tư tưởng, tâm trạng xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời... dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Chị Đinh Thị Nghiết, cán bộ Mặt trận làng Lợt (xã Nghĩa An, huyện Kbang) cho hay: Việc thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã gây ảnh hưởng đến kết quả tuyên truyền miệng. Do vậy, mỗi lần tổ chức thực hiện, chị phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu và cách thức tuyên truyền, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu.
|
Cán bộ xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: M.N/Báo Gia Lai)
|
Từ thực tế đó, Ban Tuyên giáo đã phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, trong đó tập trung thông tin về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền miệng; thông tin thời sự, chính trị, an ninh trong nước và quốc tế; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Cùng với đó, tuyên truyền về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các chủ trương, giải pháp phát triển nông nghiệp; chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người dân nông thôn, đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số; chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo...
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, nhiều băn khoăn, lo lắng của người dân như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp; suy nghĩ và thực hiện đúng về chủ trương “thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”; tuyên truyền kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; những lợi ích thiết thực từ các chương trình an sinh xã hội; chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng chống nạn tín dụng đen; không khai thác vận chuyển lâm sản, không phá rừng làm nương rẫy; không cho thuê hoặc bán đất trong các làng đồng bào DTTS… đã được lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng giải thích đúng đắn, kịp thời, góp phần nâng cao ý thức, cỗ vũ nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh còn được cung cấp những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và cách thức vận động bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) gây ra tại cộng đồng; một số thông tin tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết; những giải pháp nhằm đảm bảo an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới, có liên hệ tình hình dịch bệnh COVID-19;...
Cách thức tuyên truyền cũng được lực lượng này triển khai theo từng bước rất cụ thể, trước hết là nói trong gia đình, người thân, sau đó ra hàng xóm, bạn bè và cộng đồng; nói mọi nơi, từ trong bữa cơm, trong lúc uống trà, sinh hoạt cộng đồng hay trong lúc làm nương rẫy... Nhờ “cùng tiếng nói, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” trong nhân dân, những thông tin phản ánh của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tránh phát sinh “điểm nóng” ở cơ sở.
Theo đánh giá của đồng chí Lê Phan Lương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở đã trở thành cầu nối quan trọng đưa thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; qua đó, giúp vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua ở địa phương, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giúp ổn định tình hình chính trị, xã hội, đặc biệt trong thời điểm địa phương đang phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua và chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với những kết quả đạt được, đến nay, vai trò và uy tín của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở đã từng bước được nâng lên. Theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 17/17 các huyện, thị, thành ủy trực thuộc tỉnh Gia Lai đều quyết định thành lập Đội ngũ tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố với 2.767 đồng chí. Nhiều nơi còn kết hợp xây dựng lực lượng từ những cốt cán, dân vận cơ sở đã được thành lập trước đó, tạo sự phối hợp và thống nhất đầu mối chỉ đạo; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, từng bước vận dụng các chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng nòng cốt theo quy định.
Trong 2 năm 2018 và 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và đảng ủy các xã trên địa bàn tổ chức 13 đợt tập huấn cho gần 2.000 lượt cán bộ và lực lượng tuyên truyền nòng cốt tại các địa phương. Chính nhờ kênh thông tin quan trọng của đội ngũ này, niềm tin của người dân đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đảng, chính quyền ở cơ sở nâng lên; các điểm nóng chính trị, trật tự an toàn xã hội từng bước giảm, nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi nhận thức, phấn đấu lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc./.