Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Long An

Thứ bảy, 18/04/2020 10:57
(ĐCSVN) - Việc lập “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển Việt Nam đến năm 2045.
Các tuyến đường nối liền tỉnh Long An và TP. Hồ chí Minh được xây dựng  

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch là phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diê%3ḅn tích tự nhiên là 4.494,94 km2.

Việc lập “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển Việt Nam đến năm 2045; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, phát triển bền vững theo hướng chú trọng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.

Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Đưa ra các quan điểm phát triển của tỉnh, thiết lập tầm nhìn và xác định các mục tiêu phát triển tổng quát, cụ thể của tỉnh; sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn để sử dụng các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ Quy hoạch; hình thành danh mục các dự án, thứ tự ưu tiên, cũng như các giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, khu vực biên giới và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân./.

 
Mạnh Hùng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực