Sơn La: Xây dựng được nhiều thương hiệu sản phẩm từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Thứ sáu, 10/01/2020 16:45
(ĐCSVN) - Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) – giải pháp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, Sơn La đã sản xuất được nhiều sản phẩm có thương hiệu, không chỉ mang đặc trưng riêng của địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.
leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi ong mật tại Sơn La (Ảnh: ĐH)

Nhiều sản phẩm đã có thương hiệu

Nhu cầu thực tế cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững cần chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, Sơn La xác định việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP) trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết, đặc biệt phù hợp với quá trình xây dựng Nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, địa phương xác định trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất và thành phần kinh tế tập thể sản xuất như: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện. Các sản phẩm tạo ra có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa và điều kiện tự nhiên riêng của tỉnh Sơn La. 

Sau thời gian triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Qua rà soát của các địa phương có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Hiện cả tỉnh có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế. Năm 2019, đã có 28 sản phẩm OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao) như: Cá tép dầu khô ở Quỳnh Nhai; Măng trúc muối ớt, Trà xanh mây ở Bắc Yên; Gạo nếp tan Mường Và ở Sốp Cộp; Xoài sấy dẻo, Chuối sấy giòn Yên Châu; Chè Shan đặc biệt ở Mộc Châu; Long nhãn sấy khô Sông Mã,…

Đến nay đã có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu. Cụ thể, có 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý: chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La. Mười ba nhãn hiệu chứng nhận gồm: Chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái Thuận Châu, rau an toàn Mộc Châu, Nếp Mường Và Sốp Cộp,… Hai nhãn hiệu tập thể: chè Tà Xùa và mật ong Sơn La. 

Phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ

Hội nhập thị trường thế giới trong bối cảnh cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”, OCOP Sơn La đang có cơ hội để vươn mình mạnh mẽ vào thị trường không những ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. Tận dụng thời cơ mang lại, OCOP Sơn La có triển vọng làm nên những kết quả vượt hơn mong đợi.

Vì vậy, trong thời gian tới, Sơn La sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các cấp có bộ phận chuyên trách triển khai Chương trình OCOP.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, phát huy được tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình. Huy động có hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức kinh tế để thực hiện chương trình.

Song song với đó, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản Sơn La. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia...

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Sơn La là hướng đi đúng, đồng thời là một trong những giải pháp góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn với phát triển từ nội lực của mỗi địa phương gắn với điều kiện tự nhiên, văn hóa của từng địa phương, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực