Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có báo cáo điểm qua những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2020. Trong 10 năm triển khai thực hiện, chiến lược đã thu được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đời sống văn hóa và môi trường văn hóa trong cả nước có nhiều khởi sắc.
|
Hát then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 13/12/2019. (Ảnh: Thế Dương) |
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với trung tâm là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành một hoạt động xã hội thiết thực và lan tỏa. Cả nước hiện có 69.024 làng, thôn, ấp, bản, buôn văn hóa; 19.064.069 gia đình văn hóa; 64.968 cơ quan, đơn vị văn hóa…, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội của toàn quốc.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư đồng bộ, tăng theo từng năm, với 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 561/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao, đạt 91%; 73,2% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 75.996/101.732 thôn, bản, buôn, làng có nhà văn hóa, đạt 74,7%. Chưa kể gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế khác nằm ở 64 tỉnh, thành.
Mạng lưới thư viện công cộng cũng được chú trọng phát triển rộng khắp, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 63 thư viện tỉnh, thành phố; 667 thư viện cấp huyện; 3.290 thư viện cấp xã và 19.881 phòng đọc, tủ sách cơ sở..., góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Cả nước cũng ghi nhận hơn 40.000 di tích và hơn 60.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 3.498 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 301 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 28 di sản được UNESCO ghi danh, 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Khách du lịch quốc tế tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn. Năm 2018, Vịnh Hạ Long đón 4,1 triệu khách, trong đó 2,82 triệu khách quốc tế; Tràng An 6,25 triệu khách, trong đó 700 nghìn khách quốc tế; Cố đô Huế 3,5 triệu khách, trong đó 2,3 triệu khách quốc tế; Hội An 2,3 triệu khách, trong đó 2 triệu khách quốc tế; Phong Nha - Kẻ Bàng 800 nghìn khách, trong đó 150 nghìn khách quốc tế; Địa đạo Củ Chi 1,35 triệu khách, trong đó 670 nghìn khách quốc tế; Văn Miếu - Quốc Tử Giám 1,6 triệu khách...
Nhìn chung hoạt động phát huy di sản văn hóa có bước tiến đáng kể so với giai đoạn trước. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trên cả nước chống xuống cấp, tu bổ di tích, tôn tạo di tích. Kết quả như sau: Giai đoạn năm 2011-2015 vốn hỗ trợ là 1.436,844 tỷ đồng/1.302 di tích; Giai đoạn năm 2016-2018 là 124,4 tỷ đồng/238 di tích. Giai đoạn năm 2010 - 2018, nguồn kinh phí xã hội hóa chi cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ năm 2011 đến năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu phục dựng, lưu trữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể với tổng số kinh phí hỗ trợ là 101,9 tỷ đồng. Có hơn 30 làng, bản, buôn của 25 dân tộc thuộc 25 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn quy mô; 05 lễ hội quy mô vùng đã được bảo tồn và phát huy bền vững.
Để tôn vinh những cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 1.187 nghệ nhân, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 66 nghệ nhân.
Từ năm 2009 đến nay, nguồn vốn đầu tư cho công tác phát triển văn hóa trên cả nước đạt mức 8.565,066 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.156,113 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 6.408,953 tỷ đồng, chưa kể nguồn đầu tư xã hội hóa…
Cũng theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 12.2019, cả nước có 204 cụm rạp gồm 1.050 phòng chiếu phim, với hơn 148.500 ghế. Doanh thu chiếu bóng đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Hiện, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%. Với vùng sâu, vùng xa, hiện cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, hằng năm chiếu phục vụ khoảng 50.000 buổi chiếu cho từ 9 - 11 triệu lượt người xem.
|
Tháp G Thánh địa Mỹ Sơn - một trong 8 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới của Việt Nam - sau khi được trùng tu. (Ảnh: Đình Tăng ) |
Quyết liệt thực hiện các giải pháp về phát triển văn hóa
Điểm qua những mặt còn hạn chế, báo cáo cho biết, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa mặc dù đã tăng lên so với giai đoạn trước, song còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Các ngành công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư đủ mạnh; chưa có cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư quy mô lớn cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như bảo tàng, thư viện, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa… nên chưa tạo bước đột phá. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận tầng lớp xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lợi dụng ưu thế về công nghệ thông tin, toàn cầu hóa về kinh tế để áp đặt các giá trị văn hóa, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình về văn hóa. Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa với nhiều yếu tố văn hóa mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới này còn hạn chế...
Việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 “bằng những giải pháp khả thi, bằng việc đánh giá tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành Văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra 11 giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại để chuẩn bị xây dựng Chiến lược văn hóa đến năm 2030, trong đó chú trọng phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương; tuyên truyền và từng bước xây dựng hình thành lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Phát triển các bảo tàng ngoài công lập, phòng trưng bày sưu tập tư nhân, khuyến khích xây dựng các bảo tàng ảo; nâng cấp ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ; tiếp tục phát huy năng lực, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ...
T. Huyền