Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ năm, 14/05/2020 17:32
(ĐCSVN) – Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
 Ảnh minh họa (Ảnh: K.D)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 27 tháng 9 năm 2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương và chính sách tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28 tháng 4 năm 2020 Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động số 15-KH/BCSĐ với mục đích triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa nội dung này trở thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn ngành Công Thương, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để ngành Công Thương phát triển, bứt phá trong thời gian tới.

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện, cụ thể: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển của ngành Công Thương; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp 4.0; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường hợp tác quốc tế; Tuyên truyền phổ biến, quán triệt đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Để hiện thực hóa những định hướng mang tầm nhìn chiến lược, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với cấp ủy Đảng cùng cấp đổi mới tư duy, nghiên cứu và chủ động tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch hành động số 15-KH/BCSĐ ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị./.

K.D
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực