Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua với nhiều hình thức phong phú, sinh động đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Mỗi người với những công việc, nghề nghiệp, hoàn cảnh, địa vị khác nhau đều có những phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo riêng để làm tốt công việc của mình, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.
Người kết nối học sinh nông thôn với toàn cầu
Tại hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/8 vừa qua, cô giáo Trần Thị Thúy (Trường THPHT Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) là một trong những đại biểu tiêu biểu của cả nước trình bày tham luận tại hội nghị. Với tham luận “Chắp cánh ước mơ cho học sinh trở thành công dân toàn cầu”, cô Trần Thị Thúy đã cho thấy tài năng và tâm huyết của mình đối với sự nghiệp trồng người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn – nơi mà các em học sinh có ít cơ hội hơn so với các bạn học sinh ở thành phố trong việc tiếp cận với tiếng Anh và sự hội nhập toàn cầu.
Cô Trần Thị Thúy được biểu dương tại Chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Cô Thúy chính là người đã truyền cảm hứng học tiếng Anh cho các em học sinh vùng nông thôn, là người có những tiết học “xuyên lục địa”, ở đó các em học sinh có cơ hội kết nối với các bạn học sinh ở các nước. Cô tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu (MEC). Tại đây, cô có cơ hội kết nối với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học "xuyên lục địa" nhờ công cụ Skype. Với những giờ học “xuyên lục địa” này, các em học sinh rất hào hứng và không ngần ngại thực hành kĩ năng nghe – nói của môn tiếng Anh.
Nói về mình, cô Thúy cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội vào năm 2009, cô được phân công giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại trường Trung học phổ thông Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là nơi cô gắn bó với công tác giảng dạy cho đến bây giờ.
Cô đoạt giải Nhì toàn quốc trong cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức và vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019. Cô Thúy từng được mời tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada. Tại đây, ý tưởng về đổi mới sáng tạo trong dạy học của cô đã thuyết phục được các thành viên trong nhóm (gồm nhiều nước) và giành giải cao nhất tại Diễn đàn. Sau đó, cô được mời tới Canada làm việc nhưng cô đã từ chối với lý do “Em ra đi là để trở về”.
Một trong số các tiết học "xuyên lục địa" của cô Thúy và học sinh trường THPT Đức Hợp (Ảnh: Vietnamnet)
Nhắc đến cô Trần Thị Thúy, học sinh và người dân quanh khu vực trường THPT Đức Hợp đều nói đến dự án về sử dụng thuốc trừ sâu an toàn. Đây là dự án cô cùng với 45 em học sinh của trường thực hiện và tham gia cuộc thi có tên “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại”. Đây là dự án liên môn, tích hợp kiến thức các môn học như: Tiếng Anh, Công nghệ, Sinh học, Hóa học, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Toàn bộ nội dung sản phẩm dự thi đều được trình bày bằng Powerpoint tiếng Việt và tiếng Anh. Dự án của cô và trò trường THPT Đức Hợp được Ban Tổ chức đánh giá rất cao, góp phần tuyên truyền về tác dụng và những ảnh hưởng của thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người cũng như các vấn đề môi trường và cách để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu an toàn.
Với những nỗ lực và cố gắng của mình, cô giáo Trần Thị Thuý đã được nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh Hưng Yên và Bộ Giáo dục – Đào tạo. Cô cũng vinh dự là một trong 25 điển hình tiên tiến được vinh danh trong Chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.
Người nông dân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Anh Ngô Đức Thắng sinh năm 1973 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sau khi lập gia đình, anh cùng vợ phải bươn trải nhiều nghề, đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi nhưng cái nghèo cứ đeo bám. Sau đó, anh về Hưng Yên với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng của xã Phạm Ngũ Lão, anh xin dồn toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình rộng gần 0,7 ha thành 1 thửa để thuận lợi phát triển kinh tế.
Anh Thắng với mô hình ấp trứng vịt của gia đình (Ảnh: hungyen.vn)
Hiện tại, anh đang sở hữu trang trại nuôi vịt với trên 60.000 con vịt sinh sản, cung cấp hàng chục ngàn vịt giống mỗi ngày. Ngoài nuôi vịt, anh còn cải tạo thêm khu nuôi cá và trồng cây ăn quả với diện tích 1,8 ha ao và 5,4 ha cây ăn quả. Ước tính, trang trại tổng hợp của gia đình anh thu về khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn thường xuyên tạo việc làm cho 15 – 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Đặc biệt, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, hướng dẫn và giúp đỡ hội viên nông dân về khoa học – kỹ thuật, nhất là trong xây dựng bể sử dụng khí biogas hợp vệ sinh; toàn bộ sản phẩm đầu ra của các hội viên đều được anh bao tiêu. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ cộng đồng, anh Ngô Đức Thắng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xung kích, sáng tạo
Chị Nguyễn Thị Phương Thêm, sinh năm 1987, công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên. Trong việc thực hiện công việc được giao, chị luôn tận tâm, chủ động tìm tòi, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị đã tích cực nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm, chia sẻ cùng đồng nghiệp để giải quyết công việc được nhanh chóng, hiệu quả cao.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, chị còn hăng say, nhiệt tình trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Chị cùng Ban Chấp hành Chi đoàn kịp thời tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương Thêm trong cuộc thi "Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017" (Ảnh: tuyengiaohungyen.vn)
Là một Phó Bí thư Đoàn thanh niên năng nổ, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm; với những thành tích trong hoạt động Đoàn, năm 2016, chị Phương Thêm được Tỉnh Đoàn và Đoàn khối các cơ quan tỉnh tặng Giấy khen. Tháng 10/2017, chị xuất sắc vượt qua 2.655 thí sinh tại 237 cuộc thi cấp cơ sở, 248 thí sinh tại 17 cuộc thi cấp huyện và tương đương để dự thi chung khảo Cuộc thi "Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tỉnh Hưng Yên và xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh.
Với những thành tích nổi bật trong hoạt động và công tác, chị Nguyễn Thị Phương Thêm đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Bằng khen, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên tặng Giấy khen./.