Để đạt được mục tiêu này, Quảng Bình đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân mỗi năm 2,48%, từ 14,42% (đầu năm 2016) xuống còn 6,98% (đầu năm 2019).
|
|
Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo tại huyện Tuyên Hóa miền núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình (Ảnh: giamngheo.mic.gov.vn) |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 05-CTr/TU ngày 13/7/2016 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2-2,5%, riêng các xã nghèo phấn đấu giảm từ 4-5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và quyết tâm đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn bình quân cả nước.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, cho biết, các sở/ban/ngành và các địa phương đã huy động mọi nguồn lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó, Sở đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của người dân trong trong giảm nghèo theo hướng "bắt tay, chỉ việc", phối hợp thực hiện hiệu quả Quỹ "Vì người nghèo".
Cùng với hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục, các Chương trình 30A, 135 cũng giúp tỉnh đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Để từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi, bãi ngang ven biển, thông qua nguồn vốn phân bổ của Trung ương, Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vực. Đến nay, tất cả xã miền núi đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng, hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, từ tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2018 đến 30/9/2019, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp ở tỉnh đã tiếp nhận gần 19 tỷ đồng, giúp triển khai hỗ trợ bò lai sinh sản cho 500 hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai, xây dựng 95 nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hoá, hỗ trợ xây dựng các công trình thiết yếu...
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình giảm nghèo, từ nay tới cuối năm 2019, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con dân tộc thiểu số theo hướng "bắt tay, chỉ việc".
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết về chính sách hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và bãi ngang ven biển giai đoạn 2019 - 2021.
“Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm nghèo, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập, phát triển kinh tế trang trại…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, hỗ trợ dạy nghề, cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí, tăng cường công tác nâng cao trình độ cán bộ làm công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và cán bộ ở các xã nghèo, phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới, tích cực tham gia thị trường lao động trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu lao động./.