Sáp nhập các đơn vị hành chính để có nguồn lực phát triển tốt hơn

Thứ sáu, 18/10/2019 04:21
(ĐCSVN) – Việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hướng tới mục tiêu để có điều kiện nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, để mạnh hơn chứ không phải sáp nhập chỉ đơn thuần, cơ học về mặt hành chính.

Đây là thông điệp của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị tại Kỳ họp thứ XI, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VII diễn ra ngày 17/10.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Dũng

Báo cáo tại kỳ họp cho biết, Quảng Trị hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố. Trong đó có 2 đơn vị hành chính cấp huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định, đó là huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị. Hai đơn vị này thuộc diện đơn vị hành chính cấp huyện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021. Tuy nhiên, xét các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên trạng huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị.

Tại kì họp, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất thông qua đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 của tỉnh theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.

Theo đó, có 23 xã, thị trấn là các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập do không đạt tiêu chí về diện tích và dân số, cùng 9 xã, thị trấn thuộc diện khuyến khích sáp nhập.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Trị tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thành các đơn vị hành chính cấp xã mới gồm. Tại huyện Hải Lăng, xã Hải Thọ và thị trấn Hải Lăng sáp nhập thành thị trấn Diên Sanh; xã Hải Hòa và Hải Tân thành xã Hải Phong; xã Hải Xuân và Hải Vĩnh thành xã Hải Hưng; xã Hải Thiện và Hải Thành thành xã Hải Định.

Tại huyện Triệu Phong, xã Triệu Thành và xã Triệu Đông sáp nhập thành xã Triệu Thành. Tại huyện Cam Lộ, xã Cam Thanh và xã Cam An sáp nhập thành xã Thanh An. Tại huyện Hướng Hóa, xã A Túc và xã A Xing sáp nhập thành xã Lìa.

Tại huyện Gio Linh, xã Vĩnh Trường và xã Linh Thượng sáp nhập thành xã Linh Trường; xã Gio Hòa và xã Gio Sơn thành xã Gio Sơn; xã Gio Bình và xã Gio Phong thành xã Phong Bình; nhập hai thôn Nhĩ Trung và Nhĩ Hạ thuộc xã Gio Thành vào xã Gio Hải thành xã Gio Hải, nhập thôn Tân Minh thuộc xã Gio Thành vào xã Gio Mai thành xã Gio Mai.

Tại huyện Vĩnh Linh, hai xã Vĩnh Tân và thị trấn Cửa Tùng sáp nhập thành thị trấn Cửa Tùng;  xã Vĩnh Kim và xã Vĩnh Thạch sáp nhập thành xã Kim Thạch; hai xã Vĩnh Trung và Vĩnh Nam sáp nhập thành xã Trung Nam; xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành sáp nhập thành xã Hiền Thành.

Tại huyện Đakrông, hai xã Hải Phúc và Ba Lòng sáp nhập thành xã Ba Lòng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Dũng

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đề nghị, UBND tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập. Giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt như: Vấn đề sắp xếp lại bộ máy dôi dư sau sáp nhập; vấn đề cơ sở vật chất cần được tính toán để sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân khi phải đi lại khá xa trong khu vực hành chính mới để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính quyền. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi các địa phương phải có sự đổi mới, cải cách để phục vụ nhân dân tốt hơn. Trên tinh thần sáp nhập để mạnh hơn, sáp nhập để có điều kiện nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn chứ không phải sáp nhập chỉ đơn thuần, cơ học về mặt hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đồng thời để cán bộ, công chức cấp xã yên tâm công tác. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát những điểm nghẽn, bất cập, những dự báo đã lường trước để triển khai nghị quyết một cách thuận lợi nhất, đảm bảo lộ trình đề ra. Sau năm 2021, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo lộ trình đã xem xét.

Sau sáp nhập, các địa phương cần quan tâm, tập trung đầu tư nguồn lực thỏa đáng phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, nâng cao đời sống nhân dân; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân dân sau sáp nhập, qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở. HĐND tỉnh kêu gọi toàn thể các cấp, các ngành, cán bộ công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí vượt qua khó khăn thách thức trong quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm tạo ra hướng phát triển mới nhanh và bền vững cho tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới./.

T. Dũng (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực