“Tiếng bom” cảnh tỉnh và trách nhiệm cơ quan quản lý

Thứ năm, 24/03/2016 09:34
(ĐCSVN) - Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh tại nước ta cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người và hơn 2.000 người khác phải mang thương tật suốt đời. Vụ nổ vừa xảy ra tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) thêm một “tiếng bom” báo động, cảnh tỉnh về sự… lỏng lẻo trong quản lý nhà nước và sự chủ quan của chính con người?.

Trung bình mỗi năm bom mìn cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời. (Ảnh: VOV)

Theo thống kê năm 2015, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam có tại các tỉnh, thành phố với hàng trăm chủng loại khác nhau. Hiện cả nước có khoảng 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn (chiếm 20% diện tích cả nước), với hơn 800.000 tấn bom mìn sót lại; đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương do bom mìn sót lại. Trung bình mỗi năm bom mìn cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Và sự kiện khiến dư luận thật sự “chấn động” chính là vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội chiều 19/3 vừa qua. Nguyên nhân ban đầu được các đơn vị chức năng xác định là do anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1975, quê Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú (để hành nghề thu mua phế liệu) mang đèn khò phá khối kim loại  và đã phát nổ. Vụ nổ đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 5 người chết, 9 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường, đi ngang qua bị hư hỏng. Kết quả giám định sơ bộ ban đầu của Cục Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn…

Đặc thù của nước ta là bước ra khỏi cuộc chiến tranh chưa lâu, những tàn dư của vũ khí, vật liệu nổ còn tồn lại rất nhiều trên khắp đất nước hình chữ S. Trong khoảng 16 triệu tấn bom, đạn Mỹ sử dụng, ném xuống chiến trường Việt Nam vẫn còn không ít nằm sâu trong lòng đất, trong đó có những quả có nguy cơ phát nổ cao. Ngày 30/10/2015 tại Huế, Ban chỉ đạo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban, đã đưa ra một con số rất đáng báo động: Kể từ sau năm 1975, Việt Nam hiện còn 800 ngàn tấn bom mìn có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, chuyện người dân nhiều nơi khi đào móng làm nhà, làm các công trình công cộng phát hiện bom mìn là chuyện dễ hiểu.

Vấn đề ở chỗ, nhiều người chủ quan nên đã xảy ra những vụ việc đau lòng. Vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) không phải mới xảy ra lần đầu, trong những năm qua, đã có rất nhiều các vụ nổ từ vũ khí còn sót lại sau chiến tranh. Cụ thể, ngày 20/11/2001, tại xã Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam, anh Phạm Phước và Trần Văn Hồng cưa một quả bom napal. Quả bom phát nổ làm 5 người chết tại chỗ. Hay như ngày 13/8/2014, anh Võ Thắng và anh Nguyễn Tấn An ở Sơn Hòa, Phú Yên cưa một quả bom lấy thuốc. Quả bom phát nổ làm 2 người chết tại chỗ; Ngày 28/5/2015, anh Lê Văn Minh ở Cái Bè, Tiền Giang cưa bom lấy phế liệu. Quả bom phát nổ khiến anh Minh thiệt mạng và một phụ nữ bị thương nặng…Điều đáng nói là nạn nhân của những vụ nổ bom mìn nói trên đều là những người hành nghề buôn bán phế liệu.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những vụ nổ đó là do người dân chủ quan và thiếu hiểu biết. Thậm chí không ít vùng người dân đã tự ý đi rà soát, lấy đầu đạn về tháo lấy thuốc nổ. Vì kế mưu sinh, bất cứ thứ gì có thể coi là “sắt vụn” người ta cũng tìm cách thu gom. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, dù vất vả đến đâu để mưu sinh thì cũng không ai muốn mang mạng sống của mình và của những người xung quanh để “đùa giỡn với tử thần”. 

Nhưng điều đáng nói ở đây ngoài sự chủ quan của người dân là trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành. Vụ việc ở Văn Phú và những vụ việc đau lòng nêu trên cho chúng ta thấy sự buông lỏng quản lý đối với những người buôn bán phế liệu. Từ lâu, nhiều người xem đây như là một nghề kinh doanh. Ngay cả người đứng ra kinh doanh cũng xem đó như là một cửa hàng chứ không ai nghĩ đến việc nó tiềm ẩn nguy cơ. Người dân làm sao có thể tưởng tượng được, trong những kho chứa phế liệu cạnh nhà mình lại là một quả “bom”. Chỉ khi nó phát nổ và gây ra những hậu quả thật sự nghiêm trọng thì mới sửng sốt, bàng hoàng.

Mà chẳng cần nói đến “bom”, đi qua những nhà buôn bán phế liệu từ những khu mặt phố đến trong ngõ hẻm sâu, chúng ta đều bắt gặp sự chật chội, nhồi nhét phế liệu một cách ngổn ngang từ sách báo đến các loại vỏ bình ga, bình oxy… mà chỉ cần nhìn bằng bắt thường thì cũng cảm nhận được những nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, chập điện có thể xả ra bất cứ lúc nào. Những quả “bom nổ chậm" tiềm ẩn hiểm họa là thế nhưng thử hỏi mấy ai quan tâm mặc dù chúng ta có đủ các “ban bệ” từ cảnh sát khu vực, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cán bộ quản lý thị trường, tổ dân phố đến các tổ chức đoàn, hội…?

Sau vụ nổ tại Văn Phú (Hà Đông), nhiều người bắt đầu đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý. Trước hết là chuyện cấp phép hành nghề cho những chủ cơ sở kinh doanh phế liệu nói riêng và những mặt hàng có nguy cơ gây cháy nổ cao nói chung. Theo quy định của pháp luật, tất cả mọi ngành nghề có lợi nhuận đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Nhưng lâu nay ở nước ta hầu như những tổ chức và cá nhân mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu không làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Các cửa hàng kinh doanh buôn bán phế liệu lẫn các mặt hàng dễ cháy nổ vẫn đang mở ở khắp mọi nơi giữa các khu dân cư. Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Và tình trạng quá nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng cuối cùng chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả vẫn đang tồn tại bởi cách quản lý hiện nay rất nhiều bộ phận, ban ngành cùng được giao nhiệm vụ quản lý.

Đừng để phải trả cái giá quá đắt như mạng sống, tài sản của nhân dân chính từ sự thờ ơ!

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực