“Dù khó khăn đến đâu…”

Chủ nhật, 16/10/2016 09:24
“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt…”.

Cứ mỗi dịp bước vào năm học mới, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới" (tháng 10-1968) lại vang lên như một yêu cầu lớn, sự nhắn nhủ, động viên với các thầy và trò, những người làm công tác giáo dục và đào tạo cùng toàn Đảng, toàn dân ta.

Nhớ lại thời điểm tháng 10 năm 1968 ấy, sau cuộc tập kích chiến lược và nổi dậy đồng loạt dịp Tết Mậu Thân của quân và dân ta, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình tại Pa-ri. Nhưng cùng với đó, cách mạng miền Nam đã phải chịu những tổn thất lớn từ những đợt phản kích quyết liệt của địch. Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ vẫn tiến hành từ vĩ tuyến 20 (bắc Nghệ An) trở vào. Đó là những năm tháng mà đời sống mọi mặt của đất nước và nhân dân ta ở cả hai miền đều cực kỳ khó khăn. Riêng tại miền Bắc, cả thầy và trò đều thiếu đói, ăn ngô, khoai, sắn thay cơm, đều phải vừa học, vừa đào hầm, đội mũ rơm… phòng tránh máy bay địch. Song vượt qua thử thách ác liệt của chiến tranh, làm theo lời Bác, nền giáo dục của chúng ta không những vẫn tồn tại mà còn phát triển vượt bậc. Ở miền Nam, là những cố gắng và sáng kiến tổ chức dạy và học trong các vùng giải phóng, là nuôi dưỡng tấm lòng và chí học hành vì nước, vì tương lai.

 

Ảnh minh họa (Nguồn:qdnd.vn)

Khác với thời chiến phải đối phó với kẻ địch và nghèo đói, khó khăn trong thời bình hiện nay là từ nội tại của một đất nước đang phát triển, hệ thống giáo dục, đào tạo còn lạc hậu. Đặc biệt, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của bối cảnh và điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là rất cao. Từ yêu cầu đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI (tháng 11-2013) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” đã ra đời có ý nghĩa như một quyết tâm chiến lược để đưa nền giáo dục, đào tạo nước ta bứt vượt hẳn lên.

Đã 3 năm kể từ khi triển khai, công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã tạo được sự đồng lòng quan tâm của toàn xã hội và những bước đi đầu tiên đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất tiếp tục được cải thiện. Hệ thống trường chuẩn lan rộng cả đến các vùng cao, vùng xa xôi, khó khăn. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, phát triển rõ nét. Những thay đổi đầu tiên trong tổ chức thi cử, những mô hình tự chủ, những đổi mới trong dạy và học ở các cấp… đã cho thấy những chuyển biến đáng khích lệ.

Tuy nhiên, dẫu được tiến hành từng bước thận trọng song việc làm mới, cách làm mới đương nhiên không thể dễ dàng và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Có những lực cản từ nền nếp, thói quen cố hữu, từ khả năng tự đổi mới, tiếp nhận cái mới. Có những khó khăn trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế còn hạn chế và cả trong sức thuyết phục của những phương án thay đổi… Mặt khác còn là những biến động không thuận, nhận thức sai lệch cũng nảy sinh thêm những khó khăn mới. Thời gian, dung lượng học vốn đã nhiều và nặng song sự ganh đua học hành trong xã hội đã đẩy việc học thêm, dạy thêm trở nên lan tràn, phức tạp. Quan niệm về học lệch, học tủ, việc thiếu điều kiện và phương pháp gắn học với hành, học và rèn kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp vẫn tồn tại. Cùng đó là hệ thống các trường dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa rõ cách thức tổ chức, quản lý, quá trình phân tầng và tự chủ đại học, phân luồng từ phổ thông tiến hành chậm… Tất cả những tồn tại, những lệch lạc và căn bệnh vốn có trong nền giáo dục lâu nay là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi quyết tâm cao, sự kiên định, kiên trì và nỗ lực sáng tạo của ngành giáo dục và cả xã hội để từng bước vượt qua.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, quyết tâm dạy và học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, để ứng dụng và sáng tạo khoa học, công nghệ, để đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”-những yêu cầu, những lời cổ vũ của Bác luôn thôi thúc các thế hệ người Việt Nam hôm nay “dù khó khăn đến đâu” cũng quyết xây dựng một nền giáo dục mới tiên tiến, dân tộc và hiện đại…

Anh Nguyễn/Qdnd

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực