Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Về việc giữ gìn kỷ luật của chính quyền nhân dân và đoàn thể cách mạng

Thứ tư, 16/10/2019 14:19
(ĐCSVN) - Trung ương nhận thấy có nhiều cơ quan chính quyền, các đoàn thể quần chúng có hiện tượng sai lầm như: một số đồng chí của Đảng làm việc trong chính quyền và đoàn thể không tôn trọng kỷ luật của các tổ chức đó, nhất là khi người phụ trách cơ quan không phải là cấp ủy, hoặc chưa phải là đảng viên.
Hồ Chủ tịch thăm một xưởng công binh tại căn cứ Việt Bắc trong những năm
kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu TTXVN)

Trước tình hình đó, ngày 12-8-1950, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Về việc giữ gìn kỷ luật của chính quyền nhân dân và các đoàn thể cách mạng.

Chỉ thị vạch rõ: Hiện tượng kém kỷ luật trên diễn ra nhiều hình thức như: nhận được chỉ thị của chính quyền không chịu đưa ra nghiên cứu xem xét và thi hành, mà đợi chờ chỉ thị của Đảng mới làm; các cấp ủy Đảng điều động đồng chí làm trong chính quyền không tôn trọng thể lệ của Chính phủ… Hiện tượng kém kỷ luật trên của đồng chí đối với chính quyền và đoàn thể đã làm giảm sự đoàn kết, thống nhất trong hàng ngũ cách mạng, nhất là giữa Đảng với người ngoài Đảng, làm tổn hại đến lợi ích cách mạng, có thể còn làm cho quần chúng xa rời đảng viên. Để sửa chữa những sai lầm trên, Thường vụ Trung ương Đảng Chỉ thị cho toàn thể đảng viên: "ngoài việc giữ gìn và tôn trọng kỷ luật của Đảng, còn bắt buộc phải giữ gìn và tôn trọng kỷ luật của chính quyền nhân dân và các đoàn thể cách mạng".

Trung ương còn nhấn mạnh thêm rằng người đảng viên cho dù trong cương vị nào ở trong Đảng, khi vào cơ quan chính quyền, các đoàn thể quần chúng luôn có bổn phận gương mẫu trước quần chúng và nhất định phải phục tùng nguyên tắc "cấp dưới phục tùng cấp trên". Người đảng viên nào làm sai nguyên tắc đó không giữ gìn kỷ luật của chính quyền nhân dân và các đoàn thể cách mạng là không giữ gìn kỷ luật của Đảng.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.509-510, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực