Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Việt Nam Công an vụ

Thứ sáu, 04/10/2019 09:13
(ĐCSVN) - Trước những khó khăn phức tạp của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, để thống nhất tổ chức và nhiệm vụ của ngành công an cả nước, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23- SL hợp nhất Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan đặt tên là Việt Nam Công an vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946
(Ảnh tư liệu: hochiminh.vn)

Việt Nam Công an vụ có nhiệm vụ tìm kiếm và tập trung các tin tức, tài liệu liên quan đến sự an toàn của quốc gia; đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động có thể làm rối trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người nước ngoài; điều tra những hành động trái phép nói trên và truy tìm can phạm để giúp toà án trừng trị. Theo Sắc lệnh, đồng chí Lê Giản được cử phụ trách Việt Nam Công an vụ.

Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định 121-NĐ về tổ chức của Việt Nam Công an vụ với ba cấp (Công an Trung ương, Công an kỳ, Công an tỉnh). Ở Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam; ở ba kỳ Bắc, Trung, Nam gọi là Sở Công an; ở tỉnh gọi là Ty Công an.

Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng đổi thành Sở Công an Bắc Bộ; ở Trung Bộ, Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung Bộ; Quốc gia Tự vệ Cuộc Nam Bộ đổi thành Sở Công an Nam Bộ. Ở các tỉnh và thành phố đều đổi thành Ty Công an.

Từ sau khi có Sắc lệnh 23-SL, đến ngày toàn quốc kháng chiến, Nha Công an Việt Nam có ba bộ phận chủ yếu (Văn phòng, Ty tập trung tài liệu, Ty thanh tra).

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.61-62, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực