Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng

Thứ ba, 24/09/2019 15:34
(ĐCSVN) - Bước sang năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã tạo nên cục diện mới của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Ở trong nước, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ vào quần chúng và đang tạo ra những xung lực mới cho phong trào cách mạng.

Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng, trong điều kiện không thể triệu tập được Hội nghị toàn thể Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) để bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Hội nghị nhận định tình hình phong trào cách mạng trong nước và cho rằng phong trào Việt Minh ngày càng lan rộng khắp cả nước và đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên phong trào còn thiếu đồng đều, các đoàn thể Việt Minh còn chật hẹp nhất là ở thành thị.

Đáp ứng những đòi hỏi mới của tình hình quốc tế và trong nước, để thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn, Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật - Pháp (tức Mặt trận Việt Minh). Hội nghị chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết giải phóng của dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật - Pháp; ủng hộ Liên Xô; đẩy mạnh công tác vận động thanh niên, phụ nữ, các dân tộc thiểu số, phát triển Hội Quân nhân Cứu quốc và một số tổ chức hình thức thấp, rộng rãi để tập hợp đông đảo binh lính. Hội nghị quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc ở các thành phố, nhằm đoàn kết trí thức và các nhà văn hoá vào Mặt trận, Hội nghị khẳng định việc mở rộng Mặt trận phải dựa trên cơ sở không ngừng củng cố và phát triển các đoàn thể công nhân và nông dân là “xương sống của Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp" giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận. Hội nghị cũng chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Đông Dương, nhằm tập hợp hết thảy các lực lượng các khả năng chống phát xít trên đất Đông Dương.

Hội nghị nêu bật tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, coi chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị yêu cầu toàn Đảng phải đặt mình vào tình thế khẩn cấp; nhấn mạnh công tác xây dựng căn cứ địa và phát triển lực lượng vũ trang; đẩy mạnh công tác binh vận; chú trọng công tác thành thị, kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị với phong trào nông thôn.

Hội nghị đề cao công tác xây dựng Đảng, “làm cho Đảng được mạnh mẽ và bônsêvích hoá". Hội nghị nhấn mạnh việc xây dựng chi bộ xí nghiệp, gây phong trào công nghiệp; thanh trừ các phần tử cơ hội ra khỏi Đảng, đề phòng bọn khiêu khích phản bội; tăng cường đào tạo cán bộ, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày.

Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã cụ thể hoá và phát triển Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941), tạo điều kiện đưa phong trào cách mạng cả nước bước sang giai đoạn mới.

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.808-810, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực