Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng
Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ
(Ảnh: hochiminh.vn)
Hội nghị đã thảo luận ba vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đề ra để đẩy mạnh cuộc kháng chiến là: tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; phá âm mưu của địch "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", "dùng người Việt đánh người Việt"; bồi dưỡng lực lượng của kháng chiến về mọi mặt, nhất là về mặt kinh tế.
Ngày 17-3, toàn thể Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Liên Việt toàn quốc họp cùng đại biểu các ngành, các địa phương phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, lập công, đề cao chiến sĩ năm 1952. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ buổi lễ phát động. Người nhấn mạnh những nội dung cơ bản để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm gồm:
- Cách đặt kế hoạch phải dân chủ.
- Cách thực hiện kế hoạch phải đi đúng đường lối quần chúng nhân dân.
- Chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
- Đẩy mạnh thi đua ái quốc (lấy tăng gia sản xuất và tiết kiệm làm nội dung chính của thi đua ái quốc).
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc báo cáo về kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính như:
- Phát triển kinh tế quốc dân.
- Cải thiện đời sống của nhân dân, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân.
- Tăng số thu vào công quỹ.
- Bảo đảm việc cung cấp cho bộ đội, cho tiền tuyến.
- Phát triển mậu dịch với nước bạn (nơi nào có điều kiện).
- Tăng sức đấu tranh kinh tế với địch.
Để nhân dân yên tâm và hăng hái sản xuất, Chính phủ chủ trương ban hành những chính sách sau:
- Đối với nông dân, thi hành chính sách ruộng đất, nhất là chính sách giảm tô, giảm tức.
- Hướng dẫn, khuyến khích, giúp đỡ các tầng lớp công nghiệp, thương nghiệp phát triển, kinh doanh.
- Giải quyết vấn đề nhân công cho nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời giải quyết vấn đề dân công cho tiền tuyến.
- Giải quyết các vấn đề giá cả, thị trường, giao thông vận tải để giúp tiêu thụ các thứ hàng mà nhân dân sản xuất ra.
- Giúp nhân dân có đủ những phương tiện cần thiết để sản xuất: vốn, nguyên liệu, trang bị, dụng cụ, giống,…
- Cải tiến kỹ thuật.
- Có chính sách động viên, khen thưởng để khuyến khích sản xuất.
- Tiến tới kết hợp và thống nhất công tác thực hiện kế hoạch và công tác thi đua.
Hội nghị nhất trí với quyết định của Chính phủ về thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là công tác căn bản, trọng tâm của toàn bộ công tác kháng chiến, kiến quốc của quân và dân ta nhằm đẩy mạnh kháng chiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên các cán bộ toàn quốc. Trong thư Người đề nghị: "Các đại biểu về địa phương: Tổ chức những Ban huấn luyện ít ngày, làm cán bộ từ khu đến xã thấm nhuần chính sách sản xuất và tiết kiệm (và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu), tức là thật sự tự phê bình và phê bình.
Rồi mở một cuộc vận động giải thích tuyên truyền sâu và rộng khắp.
Rồi giúp dân đặt kế hoạch và ký kết thi đua. Mỗi đợt làm xong phải có báo cáo, khu và tỉnh gửi lên trung ương”.
----------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.671-673, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.