Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia
Chiến dịch Biên Giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3/1951)
(Ảnh: hochiminh.vn)
Về tình hình thế giới, Hội nghị nhận định: Nhân dân thế giới dưới sự lãnh đạo của Liên Xô đã cùng phe xã hội chủ nghĩa đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ hòa bình thế giới, “ngày càng tin tưởng vào Liên Xô, thành trì của dân chủ và hòa bình thế giới"; bọn đế quốc do Mỹ cầm đầu đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh song nội bộ chúng đang có mâu thuẫn gay gắt và vừa mới thất bại ở Triều Tiên.
Về tình hình trong nước, Hội nghị nhận định: "Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ bị tổn thất nặng nề ở Việt Nam" cho nên chúng triệt để thi hành chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, ráo riết lập một đội quân bù nhìn để chống kháng chiến, biến vùng tạm bị chiếm và vùng du kích thành hậu phương vững chắc của chúng. Để thực hiện cuộc “chiến tranh tổng lực", chúng ra sức lập khu vực không người, củng cố ngụy quyền, phát triển ngụy quân, càn quét và “bình định". Tuy nhiên, âm mưu và hành động của địch nhất định thất bại vì nó dựa trên sự áp bức và sự lừa phỉnh, mặc dù nó gây cho ta nhiều khó khăn hơn.
Kiểm điểm việc thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng (khóa II), Hội nghị chỉ rõ:
Về chính trị Đảng đã ra công khai, nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh Tuyên ngôn và Chính cương của Đảng nhưng còn nhiều đảng viên chưa gương mẫu; thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành một Mặt trận Liên Việt là một chủ trương hợp thời, nhưng ta chưa nhân việc thống nhất ấy mà phát triển một cách có kế hoạch và thiết thực công tác mặt trận và dân vận; việc thành lập Ủy ban liên lạc Mặt trận Việt - Miên - Lào là một thành tích lớn trong việc đoàn kết ba dân tộc để kháng chiến chống kẻ thù chung, nhưng Ủy ban ấy chưa có ảnh hưởng rộng rãi và thiết thực trong nhân dân do việc tuyên truyền còn yếu.
Về ngoại giao, chúng ta đã thắt chặt tình hữu nghị với các nước khối xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới, nhất là với Trung Quốc.
Về quân sự, chúng ta đã mở một thời kỳ mới trong giai đoạn chiến lược thứ hai, tiến một bước khá lớn để chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Trên chiến trường chính, sau chiến dịch Biên giới, ta đã giữ được quyền chủ động, nhưng ta chưa giành được ưu thế quân sự, chưa phá được phòng tuyến của địch, chưa thay đổi được tình thế của đồng bằng Bắc Bộ, gặp nhiều khó khăn mới trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích.
Về kinh tế - tài chính, tình hình có nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã cố gắng nhiều và thu được thành tích đầu tiên khá ít; việc thu thuế nông nghiệp đạt kết quả khá.
Căn cứ vào tình hình ta và địch, Hội nghị đã định ra ba nhiệm vụ lớn để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên giành thắng lợi mới.
Một là, ra sức tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự, phá kế hoạch phòng ngự của địch ở Trung du Bắc Bộ.
Hai là, ra sức phá âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", kiên quyết giành với địch những vùng nhiều của, đông người.
Ba là, củng cố và phát triển sức kháng chiến của toàn dân, toàn quốc, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc; giáo dục tư tưởng kháng chiến trường kỳ và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi; bồi dưỡng sức dân; xây dựng và củng cố hậu phương để phục vụ cho tiền tuyến.
Ba nhiệm vụ lớn này quan hệ chặt chẽ với nhau và bao trùm toàn bộ công tác của Đảng: chính trị, quân sự, kinh tế, tuyên huấn, văn hóa, dân vận, v.v..
Hội nghị cũng đề ra những nhiệm vụ trước mắt về quân sự, vùng tạm bị chiếm và vùng du kích, kinh tế - tài chính, tuyên huấn - văn giáo, mặt trận và dân vận, bảo vệ hòa bình thế giới.
Do tầm quan trọng của những nhiệm vụ cụ thể, Hội nghị đã ra Nghị quyết không chỉ về tình hình và nhiệm vụ chung, mà cả các nghị quyết về nhiệm vụ quân sự trước mắt, về nhiệm vụ và phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích, về nhiệm vụ kinh tế - tài chính trước mắt.
Hội nghị nhắc toàn thể đảng viên ghi nhớ và làm đúng những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: sát dân, săn sóc lợi ích và đời sống của dân, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia kháng chiến; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tăng cường công tác nghiên cứu và công tác kiểm tra về tình hình công tác, tình hình nhân dân, tình hình địch để có những phương châm chính sách cụ thể, kịp thời, đúng đắn; học tập lý luận kết hợp với thực tiễn công tác; thật thà tự phê bình và phê bình.
----------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.606-609, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.