Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) quyết định thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất trong kháng chiến

Thứ hai, 21/10/2019 01:44
(ĐCSVN) - Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nông dân về ruộng đất và góp phần đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, Hội nghị lần thứ tư của Trung ương đã họp từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang
trong cải cách ruộng đất (Ảnh: hochiminh.vn)

Hội nghị bổ sung và thông qua báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Trường Chinh về tình hình và nhiệm vụ công tác năm 1953. Hội nghị cũng thông qua bản Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất.

Đối với chính sách của đảng về vấn đề ruộng đất từ kháng chiến đến đầu năm 1953, Hội nghị nhận thấy rằng: chúng ta chưa nắm vững nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là phản đế và phản phong kiến, chưa thấy rõ lực lượng căn bản của cách mạng là nông dân. Cho nên, chính sách ruộng đất của Đảng chưa thật đúng để tuỳ hoàn cảnh mà thực hiện nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ. Chúng ta cũng chưa nắm vững tính chất cuộc kháng chiến là trường kỳ và gian khổ, nên chúng ta chưa kiên quyết dựa vào lực lượng cách mạng của quần chúng nông dân, chưa triệt để phát huy lực lượng to lớn ấy để kháng chiến. Điều đó đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng, quân đội, mặt trận, chính quyền về mặt tư tưởng và tổ chức.

Căn cứ vào nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, vào yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định:

Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn đế quốc xâm lược khác, xoá bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.

Để tiến tới thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, trong năm 1953, chúng ta phải phóng tay phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, chia lại công điền, chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân, chủ yếu là triệt để giảm tô, thoả mãn bước đầu yêu cầu chính đáng về kinh tế của nông dân, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn Nông hội, chính quyền và Mặt trận. Về mặt tư tưởng và tổ chức, đập tan uy thế chính trị của địa chủ phong kiến, giành ưu thế chính trị cho nông dân lao động ở nông thôn.

 

Trung ương Đảng nhấn mạnh công tác phát động quần chúng năm 1953 là một bước cần thiết để thiết thực chuẩn bị cải cách ruộng đất. Để tiến hành công tác đó chúng ta phải đặc biệt chú trọng đánh thông tư tưởng cho cán bộ và đảng viên trong Đảng, tuyên truyền giải thích sâu rộng cho quần chúng.

 

Nghị quyết Hội nghị cũng chỉ rõ, mặc dù bị thất bại nặng, địch ngày càng tăng cường lực lượng và công sự để chiếm giữ các đô thị lớn các vùng chiến lược quan trọng. Vì vậy phương châm chiến lược của ta là tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán và tiêu diệt lực lượng địch, mở rộng vùng tự do.

 

Để thực hiện nhiệm vụ quân sự ấy, chúng ta phải tăng cường quân đội về mọi mặt. Chúng ta phải đảm bảo cung cấp cho bộ đội và thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận. Về tác chiến và chỉnh quân, phương châm tác chiến là: vận động chiến là chính, công kiên chiến là phụ. Trên các chiến trường Trung và Nam thì du kích chiến là chính.

Hội nghị cho rằng, vì những nhiệm vụ quan trọng trên, trong năm 1953, chúng ta phải làm năm công tác chính sau:

1. Phát động quần chúng, tất cả các công tác khác đều phải kết hợp và phục vụ công tác ấy.

2. Tăng cường sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đẩy mạnh công tác chỉnh quân và tác chiến để tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

3. Về kinh tế tài chính, phải tổ chức và lãnh đạo cuộc vận động sản xuất kết hợp với phát động quần chúng. Phải tăng cường công tác mậu dịch, ngân hàng, đấu tranh kinh tế với địch, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

4. Về công tác sau lưng địch, tiếp tục tăng cường về mọi mặt phát triển chiến tranh du kích, chống và phá càn quét để củng cố và mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích, phá âm mưu địch xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, chống địch phá hoại.

5. Về chỉnh Đảng, kết hợp với công tác phát động quần chúng để chỉnh đốn chi bộ xã, tiếp tục chỉnh huấn cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng.

Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh, phải chấn chỉnh tổ chức, tư tưởng, tác phong của Đảng để thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ và công tác quan trọng trên.

Hội nghị lần thứ tư (khoá II) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong việc kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ cách mạng phản đế và phản phong.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.760-763, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực