Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I

Thứ hai, 07/10/2019 08:31
(ĐCSVN) - Từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946, Quốc hội họp kỳ thứ hai tại Hà Nội để nghe Chính phủ báo cáo những công việc đã làm trong 8 tháng, thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thành lập Chính phủ mới.

 

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946.
(Ảnh tư liệu: quochoi.vn)

Dự họp có 290 đại biểu các tỉnh thành, đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ và một số nhà đương chức Pháp. Công chúng được vào dự thính kỳ họp và chất vấn khen, chê Chính phủ.

Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ Vũ Đình Hoè báo cáo những hoạt động của Chính phủ trong thời gian qua, đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo về việc giao thiệp với Chính phủ Pháp.

Chính phủ đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp trước Quốc hội các câu hỏi về quốc kỳ, về việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh tự ý bỏ đi, về chính sách ngoại giao của Chính phủ, về tính liêm khiết làm gương của Chính phủ.

Quốc hội đã thảo luận và thông qua các nghị quyết về nội trì, ngoại giao, lập chính phủ mới, quyền quan thuế, phát hành giấy bạc Việt Nam.

Quốc hội đã chấp nhận sự từ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Quốc hội bầu ra tại kỳ họp thứ nhất (3-1946) và ủy nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ mới. Ngày 3-1946, Chính phủ mới ra mắt Quốc hội, do Chủ tịch Hồ Chủ Minh đứng đầu. Việt Quốc, Việt Cách không còn chỗ trong Chính phủ cách mạng.

Ngày 8-11-1946, Quốc hội thông qua dự án Luật Lao động.

Quốc hội đã nghe trình bày dự án Hiến pháp, sau đó thảo luận sôi nổi. Ngày 9-11-1946, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240/242 đại biểu tán thành.

Quốc kỳ nước Việt Nam được Quốc hội công nhận là cờ đỏ sao vàng.

Quốc hội bầu ra Ban Thường trực Quốc hội gồm 18 người do Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Ngày 11-11-1946, Ban Thường trực Quốc hội họp bầu Ban Thường vụ gồm 5 người, Trưởng ban là cụ Bùi Bằng Đoàn.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.116-117, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực